Phát huy hiệu quả bảo tồn và phát triển rừng ở Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai

Chủ nhật - 05/12/2021 21:23
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong 2 ngày, 2 và 3-12 Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Đồng Nai tổ chức hội thảo Tổng kết công tác năm 2021 và khởi động chuyển đổi số trong các khu DTSQTG Việt Nam. Hội nghị diễn ra trực tiếp tại Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì và trực tuyến với Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam, 10 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam được UNESCO công nhận. 

7.1-5-12-2021 Phó chủ tịch UBND.jpg?t=1752456061
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, với quan điểm phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tỉnh đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên từ lâu. Đến nay, tỉnh Đồng Nai là một trong ít địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hơn 150 ngàn ha rừng tự nhiên liền mạch. Sau 10 năm được công nhận là DTSQTG, đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng tại Đồng Nai được bảo tồn và phát triển hơn. Đời sống của người dân trong vùng được cải thiện.

Hội thảo là cơ hội để Khu DTSQTG Đồng Nai đánh giá lại những kết quả đạt được; các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; chuyển đổi số để khôi phục hệ sinh thái, phát triển bền vững.

7.2-5-12-2021 dai bieu.jpg?t=1752456061
Đại biểu dự hội nghị tham quan triển lãm ảnh động thực vật Đồng Nai

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó trưởng Ban Khu DTSQTG Đồng Nai cho biết, sau 10 năm được công nhận, Khu DTSQTG Đồng Nai bảo vệ được nghiêm ngặt diện tích rừng. Hệ sinh thái đất, nước, các loài động thực vật ngày càng phong phú. Các giá trị về tự nhiên, sinh học, văn hoá - lịch sử được giữ gìn và phát triển. Đời sống của người dân trong khu vực được cải thiện thông qua việc chi trả dịch vụ môi trường, khoán bảo vệ rừng, khoán chăm sóc cây rừng.

Các khu: Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hoá - Đồng Nai, hồ Trị An, Bàu Sấu… trong Khu DTSQ Đồng Nai đã và đang phát huy các giá trị về đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên thông qua hoạt động khai thác du lịch. Ngoài ra, đây còn là thư viện sống, giáo dục truyền thống lịch sử, tài nguyên môi trường, thực nghiệm rất tốt cho học sinh, sinh viên, người dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAP) cho rằng, MAP đánh giá cao Khu DTSQTG Đồng Nai và UBND tỉnh Đồng Nai trong nỗ lực bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng. Khu DTSTGQ Đồng Nai hiện là hình mẫu trong việc thực hiện: phục hồi rừng tự nhiên, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật đang có nguy cơ tiệt chủng, phát triển cây dược liệu trong rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng.

Theo ông Trí, có 3 điểm Khu DTSQTG Đồng Nai làm tốt, các khu khác cần tham khảo là: Đưa chủ trương lớn của quốc gia và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững vào nhiệm vụ của khu dự trữ; hợp tác với các khu dự trữ sinh quyển thế giới trong và ngoài nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong quản lý; đưa công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quản lý tài nguyên.

Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây