Nuôi dưỡng đam mê sáng tác tuổi học trò

Thứ năm - 02/05/2019 22:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thời gian qua, Nhà thiếu nhi (NTN) Đồng Nai đã chú trọng hoạt động phát hiện, duy trì, bồi dưỡng những “mầm xanh” văn học - nghệ thuật (VN-NT) trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc chủ trì tổ chức thực tế sáng tác cho hàng chục trại sinh yêu thích và đam mê bộ môn văn học, những em có năng khiếu sáng tác VH-NT trong các trường phổ thông đã góp phần nâng cao nhận thức; phát hiện, bồi dưỡng, khơi dậy niềm say mê sáng tác thơ văn cho học sinh cũng như thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ tỉnh nhà và cộng đồng trong việc sáng tác phục vụ cho lứa tuổi học trò.​

Trải nghiệm để sáng tạo

Từ đầu năm đến nay, NTN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp trại sinh trải nghiệm để sáng tạo tác phẩm thơ văn như: Đi thực tế tại các di tích trong và ngoài tỉnh; nói chuyện chuyên đề giới thiệu sách; ra mắt tác giả, tác phẩm cho thiếu nhi… Các hoạt động đã thu hút đông đảo học sinh các câu lạc bộ, đội nhóm, các lớp năng khiếu của NTN và các trường phổ thông tham gia. Để các em được trải nghiệm và khơi dậy cảm hứng, trau dồi kỹ năng sáng tác, Ban tổ chức đã đưa các em đi thực tế tại các di tích văn hóa, lịch sử như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đền thờ liệt sĩ Nhơn Trạch, Chiến khu Đ...

Tại các chuyến đi, trại sinh đã được các nhà văn, nhà thơ, tận tình trao đổi những kinh nghiệm, trải nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật như: cách phát hiện đề tài, lên ý tưởng, kỹ năng thu thập tư liệu; cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong tác phẩm; phương pháp cấu trúc một bài thơ, truyện ngắn và thể hiện một tác phẩm hoàn chỉnh… Ngoài học hỏi cách viết, các em còn được giao lưu với những người đang trực tiếp lao động, sản xuất hay bảo vệ các di tích, nghe họ kể chuyện lịch sử về vùng đất gắn với tên tuổi những người anh hùng dân tộc; giao lưu với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Từ đó, cảm nhận cuộc sống muôn màu xung quanh, thể hiện những tâm tư, tình cảm mà bấy lâu ấp ủ qua các trang viết.


Các trại sinh của Nhà thiếu nhi tỉnh đi thực tế sáng tác tại di tích Đền thờ liệt sĩ Nhơn Trạch.

Sau khi cùng các bạn trải nghiệm nhiều nơi, Đặng Huệ Linh (lớp 10, Trường THPT Chu Văn An) cho biết: “Những năm học THCS, em đã bắt đầu yêu bộ môn văn học nên rất thích các chuyến đi thực tế của NTN tỉnh. Mỗi chuyến đi cho em một trải nghiệm mới về cuộc sống. Em sẽ cố gắng để sáng tác ra tác phẩm có ý nghĩa và mang giá trị nghệ thuật hơn”. Còn Nguyễn Võ Mỹ Duyên (Trường THPT Vĩnh Cửu) bộc bạch: “Đi thực tế sáng tác, em có thêm kinh nghiệm trong học văn ở trường và duy trì cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người giúp em biết đến nhiều câu chuyện nhân sinh thú vị. Đây là vốn sống rất quan trọng trong viết văn. Các thầy cô thường nói, muốn có vốn sống đó thì phải thấy, nghe, nhìn rất nhiều thứ, ở nhiều nơi”.

Không phải ngẫu nhiên, nhiều người coi việc học sinh tham gia những chuyến trải nghiệm để sáng tạo VH-NT là một nét “khởi sắc” của văn học trẻ Đồng Nai. Bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua, các trại sáng tác hay những chuyến đi thực tế cho lứa tuổi học trò đã mang lại những mùa hè ý nghĩa cho các em. Tham gia vào hoạt động này, các em sẽ có thêm được những kiến thức và kỹ năng cho con đường tương lai. Không chỉ thế, đây còn là hoạt động quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và tác phẩm thơ văn tuổi học trò.

Duy trì những chuyến thực tế sáng tác

Mặc dù hằng năm, số lượng học sinh đăng ký tham gia sáng tác thơ văn ở NTN tỉnh rất đông, tác phẩm gửi về Ban tổ chức ngày càng tăng nhưng những người làm công tác phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu thơ văn tuổi học trò vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở. Đó là phải làm thế nào để duy trì, phát huy được những tiềm năng, vừa huy động được nhiều nguồn lực, sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các cấp ngành, địa phương để tổ chức ngày càng nhiều hơn, thời gian lâu hơn chuyến đi lý thú, bổ ích cho những em có năng khiếu, niềm đam mê trong lĩnh vực này.

Theo Phó Giám đốc NTN tỉnh Trương Hải Thi, dù có khó khăn đến mấy, NTN tỉnh cũng sẽ cố gắng duy trì công tác phát hiện, bồi dưỡng những “mầm xanh” trong văn học. Thời gian tới, NTN tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế; mời các nhà văn, nhà thơ uy tín trong và ngoài tỉnh nói chuyện chuyên đề, giao lưu với trại sinh nhằm tạo bầu không khí, lòng say mê VH-NT trong đông đảo các em học sinh. “Để tìm được các “gương mặt” có tiềm năng VH-NT, Ban tổ chức sẽ có sự tuyển chọn, sàng lọc kỹ và có những góp ý cho tác phẩm gửi về. Từ đó, giúp các em được nuôi dưỡng đam mê sáng tác để cho ra đời những tác phẩm có chất lượng”, anh Trương Hải Thi nói. 

L. Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây