Bệnh viện đa khoa Đồng Nai: Cứu sống nhiều ca bệnh mạch vành

Thứ năm - 02/05/2019 22:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong khoảng gần 4 năm triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, có hơn 3.000 trường hợp được thực hiện kỹ thuật này. Trong đó, có đến gần 50% ca nhập viện cấp cứu...​

“Hồi sinh” trường hợp ngưng tim

Sau khi được các bác sĩ BVĐK Đồng Nai cứu sống ngoạn mục, thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, đến nay, anh Vũ Thanh Lịch (sinh năm 1971, ngụ tại ấp Phú Nhạc 1, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) vẫn chưa hết vui mừng. Anh Lịch kể, ngày 5-4, sau trận đá bóng cùng đồng nghiệp, khi lên xe ô tô ra về thì anh cảm thấy khó thở, cảm giác 2 lá phổi đặc lại, không giãn nở như bình thường. Anh Lịch đã chuyển từ đi xe ô tô sang xe máy vì nghĩ do đông người nên thiếu không khí, khó thở. “Tôi chưa bao giờ thấy mình bị hiện tượng này. Cẩn thận, tôi nhờ đồng nghiệp đưa vào trạm xá nhờ thở oxy để hồi lại. Tuy nhiên, xe chúng tôi đến BVĐK Đồng Nai gần hơn nên đồng nghiệp đã chở tôi vào đó. Khi đến cổng bệnh viện, tôi đã ngất đi, không biết gì”, anh Lịch nhớ lại.

Tại Phòng Cấp cứu, các y, bác sĩ đã tiến hành sốc điện nhiều lần cho anh Lịch do ngưng tim. BS. Nguyễn Thanh Nhựt, Khoa Can thiệp tim mạch cho biết, khi vào phòng thông tim, tình trạng bệnh nhân rất nặng: hôn mê, đang phải thở máy sau nhiều lần sốc điện do tim ngừng đập nhiều lần trước đó. Bệnh nhân bị tắc đoạn gần của nhánh liên thất trước. Nhánh này cung cấp khoảng 60% lượng máu nuôi tim. Vì vậy, khi tắc nhánh này, bệnh nhân sẽ rất nguy hiểm, thậm chí tử vong trước khi vào viện. Đối với bệnh nhân Lịch, đoạn tắc của bệnh nhân có tái thông một phần, dễ gây nên tình trạng rối loạn nhịp. “Chính vì vậy, các bác sĩ phải rất vất vả khi cấp cứu bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch”, BS. Nhựt nói.

 
Các bác sĩ BVĐK Đồng Nai thực hiện ca can thiệp tim mạch.

Sau khi xác định tình trạng bệnh, bác sĩ nhanh chóng can thiệp, đặt stent cứu sống bệnh nhân. Chỉ 2 tiếng sau can thiệp, anh Lịch đã được cai máy thở. Hiện tại, sức khỏe của anh Lịch đã hoàn toàn hồi phục. Được biết, ca can thiệp của anh Lịch có tổng chi phí 80 triệu đồng, được bảo hiểm y tế chi trả 50 triệu đồng. 3 năm trước, anh Lịch được siêu âm tim nhưng kết quả bình thường, không có dấu hiệu của bệnh. Hằng năm, anh Lịch vẫn khám sức khỏe định kỳ.

Cấp cứu sớm 1 giờ, tỷ lệ tử vong giảm 10%

BS. Nhựt cho hay, những bệnh nhân có các yếu tố: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cần phải tầm soát bệnh mạch vành. Nhất là nam từ 40 tuổi trở lên, nữ 45 tuổi cần phải khảo sát mạch vành bằng kỹ thuật CT mạch vành. Điều đáng nói hiện nay, bệnh nhân bị mạch vành đang trẻ hóa. Người dân cũng cần lựa chọn môn thể thao phù hợp. Có thể là các môn thể thao nhẹ nhàng như: tập dưỡng sinh, đi bộ, xe đạp, bơi lội…

“Việc chơi thể thao là tốt nhưng những môn thể thao nặng như: đá bóng, cầu lông, tennis không phải lứa tuổi nào cũng chơi được. Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp, bệnh nhân còn trẻ tuổi phải nhập viện can thiệp tim mạch sau khi tập cử tạ, đánh tennis, cầu lông”, BS. Nhựt nói.

Thực tế cho thấy, dịch vụ y tế hiện nay khá đa dạng, phổ biến và gần dân nhưng những ca phải cấp cứu để can thiệp tim mạch vẫn tăng cao. Điều này, theo BS. Nhựt là do việc tầm soát chưa đúng, chưa đủ và chưa tốt. Một phần quan trọng là do trình độ của bác sĩ chưa đánh giá hết được các yếu tố nguy cơ, nhận biết bệnh. “Phòng Can thiệp tim mạch của bệnh viện ngày càng tiếp nhận nhiều ca khó, nặng: vôi hóa, tổn thương mãn tính… Hầu hết, chúng tôi đều cứu sống được bệnh nhân từ tình trạng chết lâm sàng trở lại hoạt động bình thường”, BS. Nhựt chia sẻ.

Trong khoảng gần 4 năm triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch, có hơn 3.000 trường hợp được thực hiện kỹ thuật này. Trong đó, có đến gần 50% ca nhập viện cấp cứu. Với các ca bệnh này, tỷ lệ tử vong trước khi được can thiệp là rất cao. Nhưng nhờ bệnh nhân không phải chuyển viện đi xa, cấp cứu bệnh nhân trong khung giờ vàng nên họ đã thoát khỏi cửa tử một cách không ngờ. “Chúng tôi tận dụng được thời gian vàng để tái thông các cục máu đông trong cơ thể, giúp các biến chứng trên cơ tim giảm rõ rệt. Theo tính toán, cứ can thiệp sớm 1 giờ, khả năng tử vong sẽ giảm được 10%”, BS. Đặng Hà Hữu Phước, Trưởng phòng Kế hoạch BVĐK Đồng Nai cho hay.

Hiện nay, BVĐK Đồng Nai có riêng một hệ thống để cấp cứu cho những ca bệnh này. Bệnh nhân không cần phải chờ thủ tục giấy tờ mà được đưa ngay vào chụp CT. Các bác sĩ điều trị cũng xuống ngay Phòng CT để truyền thuốc cấp cứu tại chỗ. Để cứu các ca bệnh này đều phải có sự phối hợp từ các bệnh viện tuyến dưới với tuyến trên và giữa bác sĩ ở các khoa trong cùng bệnh viện. “Một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được cứu sống là cả một quá trình từ cấp cứu đến hồi sức. Nó phải có sự phối hợp nhịp nhàng, công sức của rất nhiều y, bác sĩ’, BS. Phước đánh giá.

Điều đáng mừng là các kỹ thuật cao này đã có bảo hiểm y tế chi trả nên chi phí mà bệnh nhân phải đóng giảm rất nhiều. 

Bệnh tim mạch vành là tên gọi cho một số bệnh tim do mạch máu vành tim bị nghẽn đưa đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Các tên gọi khác của bênh này là bệnh mạch vành, bệnh động mạch vành, bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây