Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 8 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 0,37% so với tháng 7-2021. Trong đó, nhiều mặt hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước do những ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người dân chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa.
Cụ thể, mặt hàng lương thực có chỉ số giá tăng 2,1%, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua lương thực dự trữ của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung giảm vì việc vận chuyển gặp khó khăn, nhiều cửa hàng tạm thời đóng cửa. Điều này dẫn đến giá gạo trong tháng tăng so với tháng trước như: gạo tẻ thường tăng 2,33%, gạo tẻ ngon tăng 0,67%; giá các mặt hàng bột mì và ngũ cốc khác tăng 5,63%; các mặt hàng lương thực chế biến tăng 1,57%.
Tương tự, nhóm các mặt hàng thực phẩm có chỉ số giá tăng 1,99% so với tháng trước. Nguyên nhân là do nguồn cung thực phẩm bị hạn chế hơn, nhất là đối với các mặt hàng rau, củ, quả phải vận chuyển từ các địa phương khác về nên khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hàng nông sản như bắp cải, su hào, cà chua có chỉ số giá tăng cao.
Đối với các mặt hàng thịt tươi sống như: heo, bò, gà, giá cũng có xu hướng tăng, nhất là vào thời điểm từ giữa tháng 8. Trong đó, so với tháng 7, giá thịt bò tăng 0,4%, các mặt hàng trứng gia cầm tăng hơn 11%, thủy sản tươi sống tăng khoảng 1%. Riêng đối với thịt heo, giá thịt heo ở khu vực thành thị tăng 2,21%, trong khi khu vực nông thôn lại giảm 1,32% do những tác động của dịch bệnh đến nguồn cung, thị trường tiêu thụ.
Bà Ngọc Hà (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay, gia đình bà có 5 thành viên trong đó đến 3 lao động chính phải nghỉ việc tạm thời do dịch, còn lại đang độ tuổi đi học. Không có thu nhập nhưng mỗi ngày phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc ăn uống khiến bà cảm thấy áp lực. Do kiểm soát chặt đi lại, không phải lúc nào cũng có thể ra đường mua thực phẩm nên đôi khi bà phải đặt hàng trên các hội, nhóm hay các “chợ online” gần nhà.
“Lúc trước có thu nhập nên thấy giá có tăng nhưng vẫn ở mức chấp nhận được, còn hiện tại dịch bệnh và giãn cách xã hội vô cùng khó khăn, chỉ mong sao giá cả thị trường bình ổn chút, các hộ kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ cũng không “hét” giá để người tiêu dùng đỡ khổ” - bà Hà nói.
Tương tự, bà Tuyết Mai (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện tại dịch bệnh phức tạp cộng thêm giãn cách xã hội kéo dài nên nhiều người không có thu nhập. Cùng với đó, giá hàng hóa tăng cao, dao động bất ổn so với trước, nhất là các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống...
Nam Hữu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập