(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai là địa phương có số lượng công nhân lớn đang làm việc trong và ngoài các khu công nghiệp. Sản xuất, kinh doanh khó khăn, kinh tế nói chung, các doanh nghiệp (DN) nói riêng đang gặp phải rất nhiều áp lực để duy trì sản lượng sản xuất, giữ việc làm cho người lao động.

Các DN Việt Nam-Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác tại một chương trình kết nối giao thương do UBND tỉnh tổ chức
Các DN Việt Nam-Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác tại một chương trình kết nối giao thương do UBND tỉnh tổ chức
Cùng với những chính sách từ Trung ương, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực đồng hành cùng DN, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều áp lực
Khảo sát tại nhiều DN trên địa bàn tỉnh, dự báo khó khăn sẽ còn tiếp diễn, điều đó buộc các DN vừa phải đi tìm đơn hàng và thị trường mới, vừa phải linh hoạt trong quản trị nhân lực khi áp dụng các biện pháp giãn tiến độ sản xuất. Ngoài ra, áp dụng giải pháp cho người lao động làm việc luân phiên hoặc sử dụng khung thời gian trống để đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động.
Đối với các lĩnh vực thâm dụng lao động như gỗ, da giày, điện tử... đang áp dụng các giải pháp linh hoạt để giữ việc làm cho nhân viên bởi phần lớn lao động đều là những người có tay nghề, kỹ năng và gắn bó lâu dài cùng DN nên không thể để họ thất nghiệp. Có DN còn chấp nhận thực hiện những đơn hàng giá thấp, thậm chí huề vốn để có việc làm. San sẻ việc làm là cách mà nhiều DN đang áp dụng hiện nay và cũng là bước chuẩn bị để khi thị trường hồi phục, DN có thể bắt tay vào hoạt động ngay mà không lo việc tìm kiếm nhân sự.
Với các DN nhỏ và vừa ưu tiên cao nhất hiện nay của đa số là duy trì hoạt động được rồi mới mới tính đến các vấn đề khác. Theo ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kim Tuấn Thịnh (TP. Biên Hòa), các ngành nghề sản xuất công nghiệp hỗ trợ hiện đang phải gồng mình để tìm kiếm khách hàng. Đối với cộng đồng DN hiện nay, hồi phục sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực công nghiệp đang là mong mỏi lớn nhất, bởi chỉ có như vậy mới kéo theo các ngành nghề khác cùng vượt khó.
Tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những khó khăn của DN, từ đầu năm đến nay, chính quyền địa phương, các ngành ở Đồng Nai cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ. Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã phối hợp, tham mưu cho tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Nhiều vấn đề liên quan đã được DN chia sẻ như khó khăn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo hạ tầng giao thông, chính sách lưu trú cho lao động người nước ngoài...cũng đã được đề cập tại Hội nghị.
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội, năm 2023, Đồng Nai dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 80 ngàn lao động. Trong quý II-2023, ngoài tăng cường tuyên truyền thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của DN để người lao động biết, tìm được việc làm phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai sẽ đẩy mạnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm để kết nối việc làm giữa DN và NLĐ, nhất là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tương tự, Liên đoàn lao động tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân, người lao động. Các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh kịp thời theo dõi tình hình lao động, việc làm; phối hợp với các ngành chức năng làm việc với các DN. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng đều tiến hành khảo sát, dự báo sớm tình hình và quan hệ lao động để tham mưu kịp thời và thực hiện công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động.