Nhiều thách thức với ngành chăn nuôi gia cầm

Thứ năm - 11/05/2023 10:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công đã có tâm thư gửi Ngân hàng Nhà nước với nguyện vọng, ngân hàng cho người chăn nuôi được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19; tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các vùng chăn nuôi trọng điểm để duy trì hoạt động, bởi nếu đứt nguồn vốn thì nông dân có thể phá sản ngay

Hiện nay, Ngành chăn nuôi gia cầm đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức khi nhiều tháng qua, giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp hơn hẳn giá thành sản xuất.

Nguyên nhân, tổng đàn gia cầm lớn, nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi sức tiêu dùng lại có hạn. Thịt nội lại lép vế cạnh tranh với thịt nhập khẩu ngay trên sân nhà.

img2-11-5-2023-hung.jpg?t=1752456061 

Trang trại chăn nuôi gà tại xã Long Đức, H.Long Thành. Ảnh: Phan Anh

Rơi vào khủng hoảng

Mọi năm, dịp lễ 30-4 thường là cơ hội đẩy mạnh sức tiêu thụ các mặt hàng thịt gia cầm như gà ta thả vườn, thịt vịt…Nhưng dịp lễ năm này, giá các loại gia cầm hầu như không biến động do sức tiêu thụ của thị trường chậm hơn cùng kỳ mọi năm. Riêng mặt hàng gà công nghiệp tiếp tục có đợt giảm giá mới; giá bán tại trại chỉ còn khoảng 25 ngàn đồng/kg, thấp hơn khoảng 4 ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất.

Từ doanh nghiệp đến trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm buộc phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phá sản vì suốt nhiều tháng qua, các sản phẩm gia cầm liên tục bán dưới giá thành sản xuất. Đây là giai đoạn khó khăn của ngành chăn nuôi gia cầm sau suốt nhiều năm tăng trưởng ở mức cao. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, tổng đàn gia cầm của Việt Nam tăng nhanh từ gần 436 triệu con lên hơn 557 triệu con; tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam chỉ ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm hết sức bấp bênh. Tại nhiều trang trại, gà thịt công nghiệp, gà lông màu phải nuôi quá ngày, rồi để lại làm gà đẻ. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi đang có nguy cơ phá sản, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động.

Mong được hỗ trợ

Vấn đề “nóng" đang gây bức xúc cho người chăn nuôi là tình trạng thị trường thịt gia cầm trong nước đang lâm vào cảnh dội chợ, rớt giá nhưng vẫn cho nhập khẩu tràn lan. Trong đó, có nguyên nhân việc kiểm soát thịt nhập khẩu của nước ta còn dễ dãi và lỏng lẻo nhưng khi xuất khẩu thì phải chịu nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt của các nước.

Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục với mức hơn 15%/năm, chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, một khối lượng lớn gà đẻ loại thải được nhập tiểu ngạch, thậm chí nhập lậu qua biên giới, theo ước tính khoảng 200-250 ngàn tấn/năm.

Theo báo cáo của Hiệp hội gia cầm Việt Nam, những năm qua, ngành gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà phát triển quá nóng. Nhiều dự án đầu tư chăn nuôi quy mô lớn được cấp phép đầu tư mà không gắn liền với phương án xuất khẩu, trong khi đó thịt gà đông lạnh nhập khẩu không ngừng gia tăng hàng năm, đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây áp lực lớn lên thị trường tiêu thụ trong nước. Bộ NN-PTNT cần xem xét, rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn, định hướng phát triển cần hài hòa giữa phát triển số lượng và chất lượng. Các bộ ngành, địa phương cần xem xét kỹ lưỡng các dự án đầu tư mới.

img3-11-5-2023-hung.JPG?t=1752456061

Trang trại nuôi vịt tại xã Xuân Định, H.Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh

Về hỗ trợ trước mắt, ông Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị: “Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp khu vực sản xuất nông nghiệp được hưởng mức hỗ trợ giảm từ 35-40 %, các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được giảm từ 45-50% thuế thu nhập doanh nghiệp để các doanh nghiệp có vốn duy trì sản xuất".

Riêng tại Đồng Nai, người chăn nuôi càng gặp khó khăn khi tỉnh đang triển khai kế hoạch di dời hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch cũng như tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở chăn nuôi. Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) lo lắng: “Tôi đang có trang trang trại thuộc diện phải di dời. Mong UBND tỉnh nên tổ chức rà soát lại, những trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì buộc phải ngưng hoặc di dời ngay nhưng với trường hợp không gây ô nhiễm môi trường nên cho giãn lộ trình thực hiện".​


Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây