Đồng Nai phát huy năng lực xuất nhập khẩu

Thứ tư - 10/05/2023 10:05
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Cùng với sản xuất công nghiệp, nhiều năm nay Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu về giá trị xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa của tỉnh xuất khẩu đi khắp thế giới với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao.

Công nghiệp chế biến chế tạo là mặt hàng có thế mạnh về xuất khẩu của Đồng Nai
Công nghiệp chế biến chế tạo là mặt hàng có thế mạnh về xuất khẩu của Đồng Nai

Giữ vị trí tốp đầu về xuất khẩu

Nhìn lại dấu mốc thời gian từ khi đổi mới đến nay, sự tăng trưởng ngoại thương của Đồng Nai đã có sự phát triển vượt bậc. Theo Sở Công thương Đồng Nai, trước đổi mới, hoạt động xuất khẩu hầu như chưa có gì, chủ yếu là trao đổi hàng hóa qua lại. Đến 1990 kim ngạch xuất khẩu đạt gần 29 triệu USD, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của giai đoạn này vẫn là hàng nông sản.

Năm 2005 tăng khoảng 107 lần, đạt 3,1 tỷ USD so với năm 1990. Đến giai đoạn 2006 -2015, với việc hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng đối với kinh tế Việt Nam đã mở ra nhiều chiều hướng tích cực đối với Đồng Nai trong việc tiếp cận và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Xuất khẩu ở Đồng Nai đến năm 2015, đã đạt kim ngạch 14,5 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước chỉ sau: TP.HCM, Bình Dương, Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và sự suy thoái kinh tế toàn cầu, Đồng Nai vẫn xuất khẩu được hơn 24,5 tỷ USD. Cán cân thương mại năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt mức xuất siêu hơn 5,6 tỷ USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 472 triệu USD, nhiều năm liền, mức xuất siêu của tỉnh luôn ở tốp đầu cả nước.

Đồng Nai hiện có giao thương với trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có một số nhóm hàng có xuất siêu lớn là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, cà phê... Kết quả trên là do từ 15 năm trước, tỉnh đã ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho những ngành sản xuất chính. Hàng năm, số dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 40% dự án mới thu hút được.

Cơ cấu lại các mặt hàng phù hợp xu thế mới

Trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thế giới thay đổi sau đại dịch Covid-19 và yêu cầu bắt buộc để phát triển theo hướng hiện đại, Đồng Nai đang tính toán để cơ cấu lại các nhóm hàng xuất khẩu. Tỉnh vừa ban hành kế hoạch về chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 tại địa bàn​ tỉnh.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 6-7%/năm trong suốt giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm, các năm 2026-2030 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm.

Để cân đối hài hòa và phát huy các lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, Đồng Nai đặt mục tiêu duy trì tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu đạt 88% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh vào năm 2025 và tăng lên 90% vào năm 2030. Bên cạnh công nghiệp chế biến chế tạo, trong các năm tới, Đồng Nai sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu thêm các nhóm mặt hàng khác, bao gồm nhóm nông lâm sản (cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu, trái cây) và các mặt hàng là sản phẩm đặc sản của các làng nghề, các mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, bên cạnh thị trường truyền thống, Đồng Nai sẽ tích cực hỗ trợ DN tìm kiếm thêm các đơn hàng, đối tác mới để đa dạng hóa thị trường của mình. Trong giai đoạn hiện nay, các DN ở địa phương rất mong muốn Chính phủ, bộ ngành nới rộng chính sách vay vốn cho sản xuất, đồng thời tiết giảm hợp lý các thủ tục hành chính để DN tiếp cận nguyên vật liệu nhanh nhất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Tác giả: Nam Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây