(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai đang là cực hút hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư mới, nhiều nhà đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) đã hoạt động ở Đồng Nai nhiều năm cũng đang tăng vốn cho doanh nghiệp của mình.

Sản xuất đồ gia dụng của doanh nghiệp Nhật Bản tại KCN Amata
Sản xuất đồ gia dụng của doanh nghiệp Nhật Bản tại KCN Amata
Điển hình là 4 dự án của doanh nghiệp FDI vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giấy CNĐT) trong những ngày đầu năm 2024 đã tăng tổng vốn đầu tư 217 triệu USD.
Tăng vốn phát triển sản xuất
Từ năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp FDI có thâm niên hoạt động tại Đồng Nai từ 10 năm trở lên vẫn thường xuyên có những điều chỉnh tăng vốn trong năm 2023 đến nay, nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, như các tập đoàn: Nestlé của Thụy Sỹ, Hyosung của Hàn Quốc, Kenda của Đài Loan…
Mới đây nhất, trong đợt trao giấy CNĐT đầu năm 2024 của UBND tỉnh, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Amata (Nestlé Việt Nam, TP.Biên Hòa), thuộc Tập đoàn Nestlé tiếp tục tăng vốn thêm 100 triệu USD, nâng tổn vốn đầu tư vào Nhà máy Nestlé Trị An lên 502 triệu USD. Việc tăng vốn đầu tư giúp nhà máy đóng góp vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất, công suất, có thể sản xuất được các sản phẩm cà phê chất lượng cao, cao cấp, xuất khẩu ra thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Châu Âu. Việc mở rộng đầu tư cũng góp phần tạo ra việc làm cho người lao động trực tiếp ở nhà máy cũng như người lao động gián tiếp thông qua các đối tác liên kết.
Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tại KCN Nhơn Trạch V (H.Nhơn Trạch) thuộc Tập đoàn Hyosung đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007. Sau hơn 16 năm thành lập và phát triển, Hyosung trở thành một doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn nhất vào Đồng Nai với khoảng 2,2 tỷ USD. Vừa qua, nhà đầu tư đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 19 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư lên thành 944 triệu USD cho dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hyosung Đồng Nai.
Các công ty khác, như: Công ty cao su Kenda Việt Nam của Tập đoàn Kenda tại KCN Giang Điền (H.Trảng Bom) cũng vừa tăng vốn đầu tư thêm 80 triệu USD; Công ty TNHH Anctek Việt Nam, thuộc Tập đoàn Thiết bị điện Ningbo Dechang của Singapore tại KCN Giang Điền tăng vốn đầu tư 80 triệu USD; Dự án của Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản) tăng vốn đầu tư 120 triệu USD…
Tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Năm 2023, các KCN trên địa bàn Đồng Nai có 91 dự án FDI thực hiện điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng trên 752 triệu USD và 9 dự án trong nước tăng vốn trên 888 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, Đồng Nai đề ra chỉ tiêu phấn đấu thu hút vốn đầu tư đạt và vượt kế hoạch, tập trung các KCN ở Đồng Nai khoảng 700 triệu USD cùng với 2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, thu hút đầu tư mới là 300 triệu USD đối với các dự án FDI và 1,5 ngàn tỷ vốn đầu tư trong nước; thu hút đầu tư tăng vốn mở rộng 400 triệu USD và 500 tỷ đồng. Do đó, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý các KCN tỉnh phải tập trung, nỗ lực thu hút đầu tư và thẩm định hồ sơ cấp giấy CNĐT sớm nhất cho các dự án FDI.
Đồng Nai ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề (hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường), những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Đồng thời, cũng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện các dự án đúng tiến độ và những nội dung đã đăng ký. Trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đặc biệt quan tâm chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tiến bộ; cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển chuyên môn, tay nghề và thụ hưởng môi trường lao động an toàn, được tôn trọng.