(CTT-Đồng Nai) - Đó là yêu cầu của UBND tỉnh tại Văn bản số 07 về kế hoạch thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024 vừa được UBND tỉnh ban hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại hội nghị thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp thứ 13 - Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa X
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại hội nghị thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp thứ 13 - Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa X
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện theo định kỳ, thường xuyên, toàn diện, kịp thời đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Sau khi kiểm tra có báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất hướng xử lý những văn bản ban hành chưa đúng pháp luật hoặc không còn phù hợp; có sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc giữa cơ quan tham mưu ban hành văn bản và Sở Tư pháp - cơ quan được giao làm đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định, xác định cụ thể thời gian hoàn thành công việc; bảo đảm bố trí các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện hệ thống hóa văn bản.
Qua đó, nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân các cấp, UBND các cấp; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương. Thông qua hoạt động kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện những văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của văn bản sau khi được ban hành.
Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, rà soát, xử lý theo thẩm quyền và tự kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hoặc khi có yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các cơ quan thông tin đại chúng. Tăng cường vai trò trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh góp phần xây dựng hệ thống văn bản tại địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kịp thời, đúng quy định pháp luật. Hệ thống hóa văn bản là văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành còn hiệu lực và văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhưng chưa có hiệu lực.