Vượt qua nhiều khó khăn, ngành Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh đã có sự thay đổi tích cực trong hoạt động. Ngoài công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, hệ YTDP còn làm tốt việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Theo đó, cách đây 10 năm, cứ 10 trường hợp tử vong có đến 7 ca do bệnh truyền nhiễm nhưng hiện nay con số này đã giảm hẳn.
Tìm đến người dân
BS. Trần Minh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người có gần 30 năm gắn bó với công tác YTDP chia sẻ, khi có bất cứ loại dịch bệnh truyền nhiễm nào xảy ra, nhân viên YTDP đều phải là những người đầu tiên đi vào vùng dịch để điều tra, xử lý, giám sát… Thời gian làm việc không kể ngày hay đêm, chỉ được về nhà khi ổ dịch đã tạm ổn. “Suốt chặng đường đã qua, hệ YTDP luôn là người chiến sĩ thầm lặng trên lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Những ca bệnh nhập viện do bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm là những ca bệnh nặng chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Số ca bệnh nặng nhập viện chỉ chiếm 5 - 10% con số thực của các ca mắc bệnh, còn khoảng 90% - 95% những người mang mầm bệnh, có nguy cơ bị bệnh đòi hỏi công tác YTDP phải theo dõi liên tục ”, BS. Hòa chia sẻ.
Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi dập dịch Zika tại một khu nhà dân.
Có 35 năm làm công tác YTDP, BS. Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Thành chứng kiến nhiều sự thay đổi của công tác phòng bệnh. BS. Văn kể, năm 1984, khi ông mới phụ trách, công tác dự phòng vẫn còn rất đơn giản, chủ yếu tập trung những loại dịch bệnh như sốt rét, dịch tả và chưa có có bất kỳ loại vắc xin nào được tiêm phòng bệnh. “Bệnh sốt rét, dịch tả là nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân và ngành Y tế lúc bấy giờ”, BS. Văn chia sẻ.
Sau giải phóng, điều kiện của người dân còn khó khăn, việc phòng, chống dịch bệnh chủ yếu dựa vào sức người là chính. Nhân viên y tế phải đi xe đạp, đi thuyền đến tận từng nhà người dân phát thuốc, tẩm mùng. Tuy nhiên không phải ai cũng hợp tác. “Chúng tôi phải đến tận nhà dân và cắt dây mùng để tẩm. Có bữa, chúng tôi mang thau ra ngồi ở chợ chờ người dân đi chợ, mang mùng theo để nhúng. Việc phun hóa chất phải phun tay và đi bộ đến từng nhà dân”, BS. Văn kể lại.
Còn với dịch tả, trước đây do thói quen sinh hoạt mất vệ sinh của người dân nên dịch tả lây lan rất nhanh ở các vùng nước lợ trên địa bàn huyện Long Thành. “Phòng chống dịch tả ngày đó rất vất vả. Chúng tôi mang thuốc đến tận nhà dân nhưng họ không tiêm. Thậm chí, chúng tôi phải “chặn” đường họ để tiêm vắc xin, có người còn nhảy khỏi ghe (thuyền) để trốn. Ở những vùng xa, chúng tôi phải ở với dân cả tháng để phát thuốc, chích ngừa phòng bệnh”, BS. Văn nói.
Mỗi năm, huyện Long Thành có đến hơn 1.500 ca bệnh sốt rét (thống kê chưa đầy đủ), vài chục ca tử vong vì sốt rét ác tính. Ðến nay, nhiều năm liền, huyện không còn ghi nhận trường hợp mắc bệnh cả sốt rét và dịch tả.
Triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng
Những năm đầu triển khai, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã phải đương đầu với nhiều khó khăn cả về nhân lực, vật lực, tài chính. Ðặc biệt, dụng cụ bảo quản vắc xin còn rất hạn chế, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin đơn sơ, chỉ có tuyến tỉnh mới có 1 tủ lạnh TCW 3.000. Nhân viên y tế phải xách từng phích vắc xin đến tận nhà có trẻ em để tiêm. “Có khi chúng tôi phải đi hàng trăm cây số mới đến được nhà dân vì không có phương tiện để đi lại”, BS. Hòa kể lại. Thời kỳ này, việc tiêm vắc xin cũng chỉ áp dụng ở phạm vi nhỏ. Ban đầu chỉ thí điểm 3 - 5 trạm y tế, chỉ triển khai một số ít loại vắc xin. Dần dần mở rộng phạm vi lên 10%, 20%, 50% số xã và số loại vắc xin cũng ngày càng tăng lên. Từ năm 2000 đến nay, đã có 100% các trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh thực hiện tiêm chủng mở rộng với 10 loại vắc xin miễn phí hoàn toàn. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều điểm tiêm vắc xin dịch vụ cũng đã được cấp phép tiêm dịch vụ với nhiều loại vắc xin, góp phần phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm tốt hơn.
Khi triển khai tiêm các loại vắc xin mới trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, hệ YTDP đều có sự chuẩn bị sẵn sàng. Từ công tác điều tra đối tượng, lập kế hoạch, tập huấn, truyền thông, triển khai tiêm, giám sát buổi tiêm, phản ứng sau tiêm và cả việc đảm bảo vắc xin, vật tư tiêm chủng, thuốc chống sốc. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn.
Năm 2000, khi mới triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1, phản ứng sau tiêm xảy ra nhiều hơn trước cũng đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng. Trong thành phần của vắc xin 5 trong 1 có vi khuẩn ho gà toàn tế bào thường gây phản ứng rất mạnh. Sau khi tiêm trẻ thường bị sốt, phản ứng nặng hơn ở những trẻ có bệnh khác đi kèm. Trước đây, quy trình xử lý phản ứng sau tiêm chưa được hoàn thiện như hiện nay. Gia đình của bệnh nhi cũng chưa quan tâm xử lý các sự cố sau tiêm. “Mỗi đợt tiêm chủng chúng tôi rất lo lắng, ngay từ khi làm kế hoạch cho đến khi trẻ thực sự an toàn mới dám “thở phào”. Từ đó, chúng tôi đưa thông tin theo dõi vào ngay sổ tiêm chủng để các phụ huynh biết nhằm chăm sóc, theo dõi và đưa con đến cơ sở y tế. Nhờ đó, đến nay, các bậc phụ huynh cũng đã khá rành thông tin, hạn chế được phản ứng nặng sau tiêm vắc xin”, BS. Hòa tâm sự.
Tạo chuyển biến tích cực
Theo BS. Văn, công tác YTDP có sự thay đổi rõ rệt, kể cả ý thức phòng bệnh của người dân. Khi Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai năm 1986, BS. Văn là một trong những người đầu tiên tham gia. Trước đây, người dân không chịu đến các điểm tập trung để tiêm vắc xin và nhân viên y tế cũng phải đến nhà dân để tiêm. “Có ngày 7 nhân viên y tế của huyện chỉ tiêm vắc xin được cho 8 trẻ. Nhưng hiện nay, người dân đã tự tìm đến các điểm tiêm ngừa vắc xin”, BS. Văn tâm sự. Ngoài ra, hiện nay, ngành Y tế cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác YTDP như hẹn lịch tiêm qua điện thoại, tin nhắn Zalo, các thông tin tiêm chủng đều lưu trên hệ thống máy tính…
Ngoài phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, hệ YTDP còn “gánh” thêm việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. 10 năm trước, trong 10 ca tử vong có đến 7 ca do bệnh truyền nhiễm nhưng hiện nay con số này đã khác. Theo BS. Hòa, hệ YTDP cũng đang phải thay đổi cơ cấu nhân lực, tích cực truyền thông để thực hiện nhiệm vụ nặng nề, vừa phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.
Niềm vui của người làm công tác dự phòng là sự chuyển biến trong ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân, đẩy lùi được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế đánh giá, từ sau giải phóng đất nước đến nay, hơn 40 năm, hệ YTDP đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trước đây, các loại dịch bệnh: sốt rét, tiêu chảy ở trẻ em, viêm ruột hoại tử, ho gà, uốn ván, bại liệt… có số ca mắc bệnh và tử vong rất cao. “Khi tôi còn là bác sĩ điều trị làm việc tại phòng Cấp cứu của BVÐK Ðồng Nai, hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân tử vong do sốt rét ác tính. Có thời điểm dịch tả xảy ra diện rộng, không đủ cơ sở y tế truyền dịch cho trẻ em, phải bù nước bằng oresol; trẻ tử vong vì viêm ruột hoại tử nhiều; sốt bại liệt. Nhiều năm nay, các loại bệnh nguy hiểm trên đã được đẩy lùi, loại trừ”, BS. Vũ nói.
Hệ YTDP đã tiến rất xa
BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhận định: Hệ YTDP đã tiến rất xa. Đặc biệt, khi có Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai thì nhiều loại dịch bệnh đã được khống chế bằng vắc xin. Trong giai đoạn hiện nay, hệ YTDP không phải chờ dịch cao mới phòng chống mà phòng ngay từ “chân dịch”.
Hệ YTDP trong những năm qua được đầu tư trang bị đầy đủ cho công tác phòng chống dịch. Dù vậy, bác sĩ hệ dự phòng không được làm thêm ngoài giờ, ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống. Đây chính là “cái khó” để thu hút nhân lực làm việc trong hệ này.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập