Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Thứ năm - 25/04/2019 22:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Là một trong 2 dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Đồng Nai (cùng với dự án Sân bay quốc tế Long Thành), dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang được các địa phương trong tỉnh phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB).​

Theo đó giữa tháng 5 tới, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT) sẽ bàn giao mốc mặt bằng và các địa phương sẽ hoàn tất công tác GPMB trong năm 2019 nhằm chuẩn bị khởi công dự án vào quý III-2020.

Dự án trọng điểm

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách QL1A khoảng 2,6km) tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 99km, riêng đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km đi qua các địa phương Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và Thống Nhất.

Để đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông, tuyến cao tốc này đã được điều chỉnh quy hoạch với quy mô 6 làn xe, so với 4 làn xe như trước đây, vận tốc thiết kế 120km/giờ. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 4 làn xe có chiều rộng từ 25-27m. Hệ thống công trình trên tuyến bao gồm 68 cầu với 18 cầu trên đường cao tốc, 40 cầu vượt trực thông với đường cao tốc và 10 cầu trong nút giao liên thông.


 Điểm giao cắt giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với QL 1 thuộc địa phận xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 14.356 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trong đó, nguồn vốn Nhà nước, theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là gần 2.480 tỷ đồng. Sau khi khởi công, dự án dự kiến hoàn thành trong 36 tháng xây dựng.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đánh giá đây là một trong những hợp phần rất quan trọng của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai đi Bình Thuận và các tỉnh miền Trung. Đầu tư tuyến cao tốc này cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, song song đó cùng với các dự án cao tốc khác và Sân bay quốc tế Long Thành sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối của Đồng Nai và khu vực. Để dự án triển khai thuận lợi thì công tác GPMB cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2019

Phó giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long Nguyễn Xuân Lâm cho hay, từ năm 2014 dự án đã được cắm cọc mốc bàn giao cho địa phương để chuẩn bị công tác GPMB. Tuy nhiên do trước đây chỉ quy hoạch 4 làn xe, sau đó Quốc hội phê duyệt lên 6 làn xe, vì vậy đơn vị phải làm lại hồ sơ điều chỉnh diện tích đất bị thu hồi. Hiện nay, Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn đang tiến hành cắm mốc GPMB theo quy mô dự án mới, dự kiến sẽ bàn giao cho các địa phương vào giữa tháng 5-2019 làm cơ sở triển khai công tác kiểm đếm, bồi thường.

Phục vụ cho công tác GPMB trong năm 2019, Ban quản lý dự án Thăng Long đã xây dựng kế hoạch giải ngân vốn trình Bộ GT-VT phê duyệt. Theo đó, năm 2019 cần khoảng 1.135 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị khởi công. Trong đó, vốn GPMB là 800 tỷ đồng (Bình Thuận 330 tỷ đồng và Đồng Nai 470 tỷ đồng), còn lại là chi phí dự phòng GPMB, chi phí tư vấn rà phá bom mìn…

Đối với địa phương, các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất và Long Khánh kế hoạch GPMB, bố trí tái định cư khá thuận lợi vì phần lớn diện tích dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, cao su, không đi qua khu dân cư nên chi phí GPMB không nhiều. Riêng huyện Xuân Lộc, diện tích đất phải GPMB lớn do chiếm hơn một  nửa chiều dài đoạn qua Đồng Nai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cũng cho hay, theo hướng tuyến của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa bàn thì nhu cầu tái định cư cho dự án này của huyện là 250 hộ. Trong khi đó, qua rà soát quỹ đất của huyện chỉ còn 81 lô đất tái định cư và phải bố trí cho các dự án khác nữa nên cần xây dựng khu tái định cư mới.

Từ nhu cầu đó, Xuân Lộc vừa kiến nghị tỉnh, các sở, ngành và Ban quản lý dự án Thăng Long xem xét giao cho huyện làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư Gia Ray phục vụ đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Khu tái định cư có diện tích 9,45 ha, bao gồm 5,72 ha đất ở và 3,73 ha đất giao thông. Tổng mức đầu tư khu tái định cư hơn 196 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân thuộc đường cao tốc trên 98 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng hạ tầng và chi phí khác. Nguồn vốn lấy  từ nguồn vốn bồi thường, bố trí tái định cư dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo UBND huyện Xuân lộc, việc giao huyện làm chủ đầu tư dự án nói trên và bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất của huyện năm 2009 sẽ giúp cho công tác GPMB, tái định cư triển khai thuận lợi hơn.

Tại buổi làm việc với Ban quản lý dự án Thăng Long và các sở, ngành, địa phương ngày 18-4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đồng ý với đề xuất trên của huyện Xuân Lộc và giao địa phương rà soát lại cụ thể vị trí đất xây dựng khu tái định cư. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ làm việc với chủ đầu tư để thống nhất kinh phí triển khai, sớm hoàn thành bố trí tái định cư cho 250 hộ dân. “Để sớm triển khai dự án thuận lợi thì cần đẩy nhanh công tác GPMB. Ban quản lý dự án Thăng Long phải bàn giao mốc GPMB sớm để các địa phương của Đồng Nai bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019, trình HĐND cùng cấp thông qua vào kỳ họp giữa năm. Các địa phương thực hiện nếu gặp vướng mắc phải báo ngay cho Ban chỉ đạo dự án của tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ, phấn đấu hoàn thành GPMB trong năm 2019 để chủ đầu tư triển khai xây dựng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu. 

Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây