Dù sản xuất công nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng ngành gỗ đã có những bứt phá vươn lên đạt mức tăng trưởng khá cao. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, nhiều khách hàng nước ngoài đã đến Việt Nam cũng như Đồng Nai tìm nguồn cung.

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt hơn 12,37 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2019. Dự tính năm 2021, ngành gỗ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2020. Tại Đồng Nai, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 1,68 tỷ USD, tăng trên 11% so với năm 2019. Sản phẩm gỗ là một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai.
*Dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam
Hơn 1 năm qua, dù xảy ra dịch bệnh Covid-19, ngành gỗ Việt Nam lại khá thuận lợi với việc tìm đơn hàng mới. Do dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy sản xuất gỗ ở Trung Quốc và các nước khác phải đóng cửa nên các đơn hàng đã dịch chuyển về Việt Nam nhiều hơn. Đồng Nai là nơi nhận được nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài.
Theo các khách hàng nước ngoài thì Việt Nam có 3 ưu điểm lớn để họ lựa chọn ký hợp đồng hợp tác và dịch chuyển đơn hàng sang là vì công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tốt; các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đầu tư công nghệ hiện đại, trình độ tay nghề cao, có thể hoàn thành các đơn hàng lớn, mẫu mã phức tạp nhanh; Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do nên hàng hóa sản xuất tại đây, xuất khẩu vào các nước có ký kết hiệp định thương mại tự do sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: “Năm 2020 và 3 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp gỗ đã vượt qua khó khăn đạt mức tăng trưởng khá cao. Kết quả trên là do các DN tái cơ cấu thành công, trong kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ có 70% là sản phẩm gỗ hoàn thiện dùng cho nội thất. Điều này cho thấy, các DN đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm gỗ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trên thế giới, vững bước trên đường đua thế giới với sản phẩm cùng loại, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô”. Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, các DN ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Dù dịch bệnh Covid-19, đe dọa lớn sản xuất kinh doanh, nhưng các DN ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại nước ta ngày một tăng.

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
*Chuyển sang chế biến sâu
Những năm gần đây, các DN ngành gỗ đã giảm dần xuất khẩu nguyên liệu gỗ, chuyển sang chế biến sâu, hoàn thiện sản phẩm mới xuất khẩu. Nhiều DN ngành gỗ mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được những đơn hàng đòi hỏi cao về mẫu mã và chất lượng. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước và đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Chuyển dịch trên của DN ngành gỗ ở Đồng Nai cũng như cả nước phù hợp với yêu cầu của Chính phủ là tăng chế biến sâu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.
Bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất bàn ghế, tủ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng ổn định, đầu ra thuận lợi và công ty đã nhận đơn đặt hàng đến đầu quý III-2021. Thị trường xuất khẩu gỗ năm nay sáng sủa hơn so với năm trước, vì nhiều DN nước ngoài đã dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Đồng Nai”.
Phan Anh