Với những hiệu quả mang lại cho xã viên, một số HTXNN năng động trong sản xuất, kinh doanh đã thu hút thêm nhiều nông dân đăng ký gia nhập HTX. Tuy nhiên, số HTXNN thu hút thêm thành viên nhờ “hữu xạ tự nhiên hương” là chưa nhiều. Do đó, việc tiếp tục nâng cấp, tập hợp nông dân tham gia sản xuất sạch, giảm chi phí và tăng giá trị sản phẩm... chính là hướng đi để nâng tầm cho các HTXNN trong tỉnh.
Có lợi, nông dân tham gia
Năm 2014, khi HTXNN Lâm San (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) bắt đầu thực hiện việc xây dựng chuỗi trồng hồ tiêu xuất khẩu chỉ có 20 hộ dân tham gia. 2 năm sau, con số này đã tăng lên hơn 7 lần đạt 150 hộ.
Anh Hoàng Ðình Hồng, ấp 2, xã Lâm San, cho biết khi tham gia vào chuỗi của HTX, nông dân được mua vật tư giá rẻ hơn, được tập huấn cách trồng và quan trọng là được HTX bao tiêu với giá cao hơn thị trường. “Có lợi thì mình tham gia thôi. Nhà nào cũng vậy, trồng khó hơn một tý nhưng bù lại có thêm nhiều cái lợi thì nông dân xin vào”, anh Hồng chia sẻ.
Đóng gói hồ tiêu sạch xuất khẩu sạch của HTX Lâm San với các mã số dùng để truy xuất nguồn gốc.
Giám đốc HTX Lâm San ông Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ, thời các HTXNN “kêu gọi suông” nông dân tham gia vào HTX đã qua. Bởi, thực tế trước đây các HTX không đem lại lợi ích nhiều cho xã viên. “Giờ thì phải thực tế, phải đem lại lợi ích, phải cho họ thấy được lợi ích thì nông dân mới tham gia”, ông Luân nói.
Chính vì vậy, để thu hút nông dân, HTXNN Lâm San thường xuyên tổ chức các lớp học nhóm với số lượng khoảng 10 hộ mỗi lớp. Tại đây, nông dân được hướng dẫn quy trình trồng hồ tiêu sạch, thời điểm, cách thức và lượng dùng các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật… Ðặc biệt, các hộ tham gia cũng được HTX ký hợp đồng thu mua với giá cao hơn giá thị trường để nông dân an tâm.
Tương tự, tại HTX thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (HTX Quyết Tiến, ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ), sau thành công bước đầu trong việc xuất khẩu trái chuối già hương cũng đã có thêm một số nông dân đăng ký xin gia nhập HTX. Tuy nhiên, theo cách nói vui của ông Phạm Thanh Ðồng, Giám đốc HTX Quyết Tiến, những nông dân đăng ký tham gia HTX đều phải được “xem giò, xem cẳng” kỹ càng. Bởi theo ông Ðồng, trồng chuối đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, do đó để tham gia nông dân phải có năng lực thực hiện các yêu cầu của HTX. “Mình ký hợp đồng với nước ngoài thì phải tuyệt đối giữ chữ tín về số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng. Ðó là lẽ “sống còn” của HTX. Ðiều này đòi hỏi người dân tham gia phải đảm bảo cam kết để HTX có đủ nguồn hàng đạt chuẩn cung cấp theo hợp đồng”, ông Ðồng cho hay.
Cũng theo ông Ðồng, ngoài cây chuối, hiện HTX Quyết Tiến cũng đang triển khai xây dựng dự án cánh đồng lớn trên cây bưởi da xanh với mục tiêu tiến tới xuất khẩu mặt hàng này. HTX đã khảo sát các vườn bưởi của nông dân để xem xét mời gọi tham gia. Ngoài ra, HTX cũng tổ chức tập huấn quy trình trồng, chăm sóc và xúc tiến tìm kiếm thị trường. “Giai đoạn 1, chúng tôi làm khoảng 50 ha, sau đó tăng lên 70 ha. Dự án đang chờ UBND tỉnh phê duyệt thực hiện nhưng hiện nhiều nông dân cũng đã đăng ký tham gia”, ông Ðồng cho hay.
Thời cơ của sản xuất sạch
Ông Phạm Thanh Ðồng, Giám đốc HTX Quyết Tiến cho rằng, để hội nhập, cạnh tranh, sản xuất nông nghiệp không thể mãi duy trì kiểu “nhà tôi, tôi làm; nhà anh, anh làm”. Bởi, đối với nông sản xuất khẩu, 2 yếu tố quyết định là bảo đảm đủ sản lượng và đồng đều về chất lượng.
Từ thực tế này, ông Ðồng khẳng định, các HTXNN hiện đang giữ một lợi thế lớn đó chính là đất đai. “Khi đất sản xuất ngày càng khan hiếm thì HTX có lợi thế là quỹ đất của xã viên. Chỉ cần HTX đưa ra được chiến lược làm ăn tốt, tập hợp được nông dân thì quỹ đất sản xuất sẽ rất lớn. Ðây là lợi thế mà các doanh nghiệp khó có được”, ông Ðồng khẳng định.
Ðồng tình với nhận định này, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho rằng, nếu làm tốt, mô hình HTX sẽ giúp tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp lớn và sạch, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Bởi, ngoài lợi thế về đất đai, khi tập hợp được đông nông dân tham gia, chi phí đầu vào sản xuất của HTX sẽ giảm. Nếu tổ chức tốt, chất lượng, sản lượng nông sản đồng đều và dồi dào thì sẽ không lo ngại về khả năng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Vấn đề còn lại chính là việc phải làm sao sản xuất được sản phẩm sạch.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường khó tính, Giám đốc HTX Lâm San Nguyễn Ngọc Luân cho rằng, sản xuất sạch là yêu cầu bắt buộc nếu nghĩ đến mục tiêu xuất khẩu nông sản. Với lợi thế về đất đai, khả năng hình thành chuỗi, nếu tổ chức được sản xuất theo hướng sạch ngay từ đầu, HTXNN mới có thể phát triển bền vững.
Ðể làm được điều này, một yếu tố rất quan trọng là phải đào tạo được đội ngũ quản lý, điều hành HTX có đủ trình độ. “Ðơn giản, chúng ta cần hình dung HTXNN phải hoạt động như một doanh nghiệp. Do đó, người lãnh đạo phải có đủ trình độ để vạch ra chiến lược sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường và thương lượng hợp đồng mua bán”, Giám đốc HTX Quyết Tiến Phạm Thanh Ðồng nhấn mạnh.
HTXNN đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, trong 3 năm qua, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp lớn và góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Đặc biệt, việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong việc xây dựng các chuỗi liên kết, vai trò của các HTXNN, tổ hợp tác và câu lạc bộ năng suất cao là rất quan trọng. Đây là những nhân tố để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp một cách có hiệu quả.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập