Di dời cụm công nghiệp Tân Tiến: Bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động

Thứ sáu - 06/07/2018 00:48
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Tọa lạc trong nội ô TP. Biên Hòa, cụm công nghiệp (CCN) Tân Tiến (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) nằm trong diện phải di dời ra khỏi khu dân cư. Quyết định của UBND tỉnh đã có từ năm 2016 nhưng do sự triển khai chậm trễ từ các sở, ngành chức năng nên hạn di dời cuối năm 2018 hầu như không thể thực hiện được.​

Tại cuộc họp cuối tháng 6 vừa qua với các bên liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định, quan điểm của tỉnh là kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội ô song việc di dời phải đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp cũng như việc làm cho người lao động trong các công ty.

Doanh nghiệp “thấp thỏm”

CCN Tân Tiến đi vào hoạt động từ năm 1997 với diện tích khoảng 6 ha. Ðây là CCN có 5 doanh nghiệp chuyên ngành may mặc đang thuê đất để sản xuất, thời gian thuê đất của doanh nghiệp lâu nhất đến năm 2043, doanh nghiệp gần nhất là năm 2023.


Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Tân Tiến phải di dời.

Sau 20 năm, CCN này đã nằm trọn trong nội ô TP. Biên Hòa bởi bao quanh là các phường đông dân cư như Tân Hiệp, Tân Tiến, Hố Nai, Trảng Dài… Việc di dời là điều hết sức cần thiết theo chủ trương chung của tỉnh nhằm đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đặc biệt là khu vực nội thành, nội thị để đảm bảo môi trường. Sau khi di dời, phần diện tích đất hiện hữu của các doanh nghiệp đang thuê sẽ được quy hoạch thành đất ở đô thị, kết hợp thương mại.

Theo quyết định 2572 ngày 12-8-2016 của UBND tỉnh, 5 doanh nghiệp trong CCN này phải thực hiện di dời trước ngày 31-12-2018. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công tác triển khai các thủ tục liên quan đến việc di dời của doanh nghiệp hết sức chậm.

Ðại diện các doanh nghiệp phản ánh, quyết định di dời của UBND tỉnh có giữa năm 2016 nhưng các sở, ngành chức năng không có động thái cụ thể để triển khai khiến doanh nghiệp rất bị động. Mãi đến đầu năm 2018, đơn vị kinh doanh hạ tầng là Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) mới có văn bản khảo sát ý kiến của doanh nghiệp. Trong một số cuộc họp với các bên liên quan, những đề xuất của doanh nghiệp cũng chưa được giải đáp thỏa đáng.

Cũng trong đầu năm 2018, nhóm doanh nghiệp trong CCN Tân Tiến đã làm văn bản chung gửi đến UBND tỉnh và các sở, ngành kiến nghị gia hạn thời gian di dời nhà máy. Ngày 25-5 vừa qua, tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, 5 doanh nghiệp trong CCN Tân Tiến cũng tiếp tục kiến nghị các sở, ngành làm rõ những nội dung liên quan đến việc di dời nhà máy của doanh nghiệp cùng chủ trương và chính sách hỗ trợ liên quan khi di dời. Theo đại diện các doanh nghiệp, là CCN may mặc, 95% trong tổng số 5.000 công nhân là lao động nữ, độ tuổi từ 35 trở lên. Ða số công nhân đều có gia đình ở khu vực lân cận, khi tiến hành di dời nhà máy đến nơi mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm của số lượng lao động này.

Bên cạnh đó, di chuyển nhà máy kéo theo nhiều hệ lụy. Hầu hết các doanh nghiệp đều có cam kết lâu dài với đối tác, khách hàng về kế hoạch sản xuất, chất lượng sản phẩm. Việc “đột ngột” di dời như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. “Ðào tạo một người công nhân lành nghề cần rất nhiều thời gian, hơn thế nữa chúng tôi vào đây phải đầu tư nhà xưởng, đào tạo nhân lực quản lý… theo kế hoạch dài hạn nhưng mới chỉ khai thác một phần nhỏ. Di dời nhà máy sẽ buộc doanh nghiệp phải làm lại từ đầu, chưa kể vấn đề di chuyển nơi sản xuất phải di chuyển công nhân theo cũng rất khó khăn”, ông Manjula Rathnayake, đại diện Công ty Epics Designers Việt Nam, doanh nghiệp có 2.000 công nhân bày tỏ lo lắng.

Phải đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp khi di chuyển nhà máy

Tại cuộc họp cuối tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, tiến độ triển khai quyết định di dời của các cơ quan chức năng là quá chậm, bởi quyết định của UBND tỉnh có từ năm 2016 nhưng tới đầu năm 2018 các sở, ngành mới thực sự tiến hành các công việc liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công tác di dời không thể nấn ná thêm được nữa. Ðể đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch di dời các nhà máy trong CCN Tân Tiến, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp phối hợp các sở, ngành và Sonadezi cần khẩn trương khảo sát, làm việc, lấy ý kiến đối với 5 doanh nghiệp này. Theo đó, từng doanh nghiệp cần chủ động lên phương án di dời, doanh nghiệp quy mô nhỏ, dễ di dời thực hiện trước, các doanh nghiệp lớn hơn thực hiện sau. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan là phải cùng doanh nghiệp tháo gỡ từng khó khăn, cung cấp thông tin, tình hình cho thuê đất tại tất cả các khu, cụm công nghiệp để doanh nghiệp tham khảo, lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy mới theo yêu cầu của mình. “Việc di dời làm càng sớm càng tốt, điều này có lợi cho cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước bởi thời gian càng lâu sẽ càng khó khăn. Quan điểm của tỉnh là cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn chứ không phải gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, do đó cần nhận được sự hợp tác từ các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào chủ động xây dựng kế hoạch di dời cũng sẽ được hỗ trợ tích cực hơn. Trong thời gian xây dựng nhà máy và chờ di chuyển, mọi quyền lợi của doanh nghiệp phải được đảm bảo như hiện tại”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu.

Về vấn đề này, Phó Ban Quản lý các Khu công nghiệp Ðồng Nai Mai Văn Nhơn cho hay, việc lấy ý kiến doanh nghiệp sẽ được thực hiện ngay trong tháng 7 này để xây dựng phương án di dời đối với từng doanh nghiệp. Sau đó, sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định mốc thời gian và lộ trình di dời phù hợp.

“Vấn đề di chuyển nhà máy khỏi nội ô đô thị, khu đông dân cư là việc phải làm để bảo vệ môi trường. Nếu càng chờ lâu, việc di chuyển càng khó khăn vì chi phí sẽ đội lên, từ xây dựng, tiền thuê mặt bằng trong các khu, cụm công nghiệp… và quỹ đất cho thuê cũng cạn dần. Do đó, UBND tỉnh mong muốn doanh nghiệp hợp tác và chủ động đề xuất phương án di chuyển. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ xem xét các phương án hỗ trợ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ cùng doanh nghiệp.

Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây