Nâng cao sức cạnh tranh cho hàng thuần Việt

Thứ năm - 01/06/2023 15:32
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Các thương hiệu, doanh nghiệp (DN) thuần Việt ngày càng chú trọng đầu tư để đảm bảo chất lượng, nâng cao tính nhận diện, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, ở khâu tiếp thị, giới thiệu, quảng cáo sản phẩm nhìn chung nhiều DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vẫn còn một khoảng cách nhất định so với các công ty, tập đoàn đa quốc gia…

Người dân chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Người dân chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh, hàng thuần Việt ngày càng được chú trọng về chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm… Đồng thời, nhiều công ty, thương hiệu thuần Việt đã quan tâm hơn tới các chương trình khuyến mãi, kích cầu sản phẩm.

Nhìn chung đối với nhiều ngành hàng như: thực phẩm chế biến, gia vị, sữa…, cơ cấu sản phẩm của các DN trong nước với các công ty đa quốc gia, sản phẩm ngoại nhập gần như tương đương nhau. Tuy nhiên, khó khăn của các sản phẩm thuần Việt đó là chính sách tiếp thị, hậu mãi khi các công ty, tập đoàn đa quốc gia với lợi thế về vốn, nhân sự vẫn chiếm ưu thế hơn, vị trí gian hàng hay có đội ngũ tiếp thị riêng biệt…

Phó Giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên chia sẻ, về cơ cấu sản phẩm trên kệ hàng tại siêu thị, các sản phẩm hàng thuần Việt luôn chiếm tỷ lệ cao. Đối với những vị trí đẹp, “đầu line” (đầu kệ) hàng - đây là những khu vực thường được thuê để bố trí, trưng bày sản phẩm. Trong đó, số lượng sản phẩm của nhiều công ty đa quốc gia vẫn nhỉnh hơn do có tiềm năng về vốn, đội ngũ tiếp thị so với nhiều DN trong nước.

Quan sát nhiều gian hàng ở chợ truyền thống, các đại lý, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, hệ thống phân phối sữa, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia như: Unilever, P&G, Abbott, Nestlé... hoặc một số thương hiệu Việt lớn, nổi tiếng như: Vinamilk, TH True Milk, Bibica, Kinh Đô, Masan... Trong khi đó, hàng hóa của các nhà sản xuất quy mô trung bình và nhỏ thường ít xuất hiện ở các vị trí đẹp, vừa tầm mắt người mua…

Bà Thi Thảo, chủ một sạp hàng hóa mỹ phẩm ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay, ở những vị trí bắt mắt, dễ gây sự chú ý với người tiêu dùng trong sạp hàng, nhìn chung sản phẩm của các công ty đa quốc gia vẫn chiếm lợi thế hơn. Trong khi đó với quy mô nhỏ, kinh phí tiếp thị thị trường không cao nên các sản phẩm thuần Việt thường khó cạnh tranh ở các kệ hàng mặt tiền hơn.

Đối với các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch điện tử, để sản phẩm “lên sàn” ở các vị trí dễ thấy, khu vực đầu website, gian hàng trực tuyến hoặc nằm ở các chủ đề khuyến mãi trong tháng thì phụ thuộc vào các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của các trang, sàn thương mại điện tử, cũng như các sản phẩm cần nhận được nhiều lượt tương tác, đánh giá tốt từ khách hàng…

Tác giả: Nam Hữu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây