Động lực thúc đẩy nông thôn phát triển

Thứ năm - 07/03/2019 22:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Ngày 8-3, tại TP. Biên Hòa sẽ diễn ra hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2019 với sự tham dự của đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành trong cả nước. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình NTM năm 2018 và triển khai kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2010 - 2020).​

Sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo được nhiều kết quả quan trọng, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông thôn đổi mới, cuộc sống của nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Xây dựng NTM thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy nông thôn phát triển.

Nông thôn “bứt phá”

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 2011. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, phong trào đã thực sự tạo ra động lực giúp nông thôn “bứt phá” phát triển.

Theo Văn phòng điều phối chương trình NTM Trung ương, đến nay, cả nước đã có hơn 4.000 xã, chiếm hơn 46% tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, 3 địa phương gồm: Đồng Nai, Nam Định và Đà Nẵng hiện đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, hiện cả nước cũng đã có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Theo đánh giá, với tốc độ như hiện nay, hết quý II-2019, cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu 5 của Chương trình đã được Quốc hội và Chính phủ giao (mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM).


 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (giữa) thăm một tuyến đường giao thông nông thôn tại ấp Bàu Tre, xã Bình An, huyện Long Thành.

Một trong những dấu ấn đậm nét mà phong trào xây dựng NTM đạt được chính là đời sống, thu nhập của cư dân nông thôn đã được nâng cao rõ rệt. Điều này được thể hiện ở tiêu chí thu nhập của người dân. Theo đó, hiện đã có hơn 67% số xã trong tổng số hơn 9.000 xã trên cả nước đạt tiêu chí về mức thu nhập bình quân đầu người theo bộ tiêu chí NTM.

Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân, các địa phương đã ban hành các kế hoạch, có định hướng chiến lược, nhằm xây dựng chuỗi sản xuất liên kết theo các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Thống kê của Văn phòng điều phối chương trình NTM Trung ương cho thấy, những năm qua, các địa phương đã tập trung đầu tư và đã phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, các loại hình tổ chức sản xuất cũng được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn theo hướng sản xuất lớn thích nghi với cơ chế thị trường.

Cùng với phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, môi trường ở các vùng nông thôn cũng được củng cố, bảo vệ. Điều này góp phần biến những vùng nông thôn trong cả nước trở thành những vùng quê đáng sống.

Hơn 400.000 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM trong năm 2018

Theo Văn phòng điều phối chương trình NTM Trung ương, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2018 của cả nước đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với năm 2017 và bằng một nửa tổng nguồn lực huy động của cả giai đoạn 2011 - 2015, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hơn 52.000 tỷ đồng, chiếm 13%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 39.000 tỷ đồng, chiếm gần 10%; vốn tín dụng hơn 267.000 tỷ đồng, chiếm hơn 66%; vốn huy động từ doanh nghiệp gần 17.000 tỷ đồng, chiếm hơn 4% và nguồn vốn do người dân đóng góp gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 6,5%.

Nâng chất cho nông thôn mới

Trong chuyến thăm và làm việc tại Đồng Nai đầu năm 2019, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Xây dựng NTM là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Bởi, việc nâng cao các tiêu chí, nâng chất NTM, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn là việc làm cần được thực hiện liên tục, không ngừng nghỉ.


Đoàn thẩm định nông thôn mới Trung ương thăm một cơ sở sản xuất mây tre trong chuyến thẩm định tại huyện Định Quán.

Theo Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang đạt được những kết quả khả quan, nhất là về số lượng xã, huyện được công nhận. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của Trung ương trong xây dựng NTM vẫn là chú trọng về chất lượng. Minh chứng cho điều này, ông Tiến cho hay, trong năm 2018, một số địa phương như Hà Tĩnh, Cà Mau đã tổ chức thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM của một số xã có tư tưởng “thỏa mãn”, không tích cực duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí sau đạt chuẩn.

Tại Đồng Nai, dù là địa phương “đi đầu” của cả nước về NTM, tuy nhiên, tỉnh luôn đặt mục tiêu không ngừng nâng chất cho phong trào. Cũng chính vì vậy, Đồng Nai là một trong những địa phương từ rất sớm đã ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao để các xã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu. Đến nay, Đồng Nai đã có 26/133 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. “Yếu tố chất lượng luôn được tỉnh đề cao, nhất là việc nâng cao thu nhập cho người nông dân trong quá trình xây dựng NTM”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh.

Không chỉ tại Đồng Nai, mục tiêu đưa phong trào xây dựng NTM đi vào thực chất, không chạy theo hình thức còn được thể hiện rộng khắp cả nước. Điều này đã được thể hiện qua con số nợ đọng cơ bản trong xây dựng NTM đã giảm mạnh, nhất là từ năm 2016 đến nay. Theo đó, tính đến cuối năm 2018, tổng số nợ đọng trong xây dựng NTM của cả nước chỉ còn hơn 377 tỷ đồng, tức giảm đến 14.600 tỷ đồng so với tổng số nợ hơn 15.000 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm 2016.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối chương trình NTM Trung ương, việc các địa phương tập trung các giải pháp, xử lý quyết liệt nợ đọng trong xây dựng cơ bản là minh chứng cho việc phong trào đã đi vào thực chất, không còn chạy theo hình thức. Bên cạnh đó, việc nợ giảm nhưng số lượng đơn vị đạt chuẩn vẫn tăng là dấu ấn của việc huy động đồng bộ, hợp lý và hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng NTM, nhất là sự chung tay, đồng lòng của người dân đối với phong trào.

3 địa phương cấp huyện cuối cùng của Đồng Nai đạt chuẩn NTM

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh Lê Văn Gọi cho biết, 3 địa phương cuối cùng của Đồng Nai là huyện Tân Phú, huyện Định Quán và TP. Biên Hòa vừa được Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2018. Như vậy, nếu 3 địa phương trên đều được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, Đồng Nai sẽ có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây