Mở rộng các kênh logistics, thương mại điện tử dành cho nông sản

Thứ tư - 16/06/2021 09:15
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Theo Sở NN-PTNT, với gần 277 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp và có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên Đồng Nai có tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, các sản phẩm nông nghiệp đa dạng phong phú. Nhiều loại cây trồng hiện có diện tích sản xuất lớn, tập trung như: xoài 12,2 ngàn ha, chuối 10,4 ngàn ha, sầu riêng 6,9 ngàn ha, chôm chôm 10,1 ngàn ha, bưởi 8,2 ngàn ha, tiêu 13,6 ha, cà phê 10 ngàn ha…
16.6-Mở rộng các kênh logistics, thương mại điện tử dành cho nông sản.jpg
Sơ chế ca cao tại một công ty chế biến nông sản ở H.Định Quán 
Toàn tỉnh đã có hơn 1,3 ngàn ha cây trồng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, 4C, hữu cơ và 86 mã vùng trồng với diện tích khoảng 21,6 ngàn ha với các loại cây trồng như: chuối, mít, thanh long… Đến nay trên địa bàn tỉnh có 84 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt với quy mô hơn 16,3 ngàn ha; trong đó, chủ yếu là các chuỗi cây ăn quả với 38 chuỗi; có 9 chuỗi cây lương thực; 25 chuỗi cây công nghiệp; 8 chuỗi rau; 4 chuỗi dược liệu và các loại cây trồng khác…
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán), công ty chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch, tham gia mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn sạch về chất lượng nhằm hướng tới mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bánh kẹo trong và ngoài nước trong tương lai. Do đó, công ty mong muốn địa phương có thêm các chương trình hỗ trợ để phát triển nhà máy chế biến sâu, xây dựng chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh như hiện nay.
Hiện nay, Đồng Nai đang hình thành các vùng chuyên canh sản xuất, đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết về sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Tỉnh cũng thí điểm phát triển 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ) và Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán).
Đại diện nhiều sàn thương mại điện tử, công ty tư vấn về phát triển thương mại điện tử nhận định, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là một số mặt hàng về nông sản, thực phẩm chế biến...
Do đó, địa phương cần tăng cường triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, kết nối để các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, phát triển các website quảng bá, bán hàng, mở rộng thị trường trên môi trường trực tuyến.
Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu, Đồng Nai cần chú trọng đầu tư thêm về logistics cho nông nghiệp và tăng cường xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics cho sản phẩm nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ làm tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông sản địa phương, đồng thời góp phần tăng thu nhập đối với người nông dân.
Ông Vũ Trường Sinh, giám đốc một công ty chuyên về các dịch vụ xuất nhập khẩu nông sản ở TP.HCM chia sẻ, công ty thường xuyên làm việc với các đối tác ở Đồng Nai về xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chuối. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc phát triển các dịch vụ logistics dành cho nông sản địa phương là rất quan trọng.
Công ty mong muốn địa phương có thêm các cơ chế, chính sách phù hợp để mở rộng, phát triển thêm các kho bãi tập kết, lưu trữ, đông lạnh, đóng gói các sản phẩm chuối xuất khẩu nói riêng và các loại nông sản, trái cây khác nói chung, từ đó sẽ giúp hạ giá thành sản xuất, dịch vụ liên quan và nâng cao giá trị nông sản của địa phương.
Phan Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây