Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2020): Vun đắp "lửa nghề" cho giáo viên

Thứ sáu - 20/11/2020 15:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Dù gặp phải không ít khó khăn, áp lực nhưng đội ngũ thầy giáo, cô giáo vẫn luôn tích cực học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng đổi mới căn bản - toàn diện giáo dục đào tạo, hoàn thành tốt sự nghiệp “trồng người”.
ccdd2903436fb231eb7e.jpg
Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Trường THCS Trảng Dài (TP. Biên Hòa)
 cùng với các học trò
Bất cứ nơi đâu cũng có những giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề
Đến nay, TS Phạm Ngọc Hiền, giảng viên Khoa Sư phạm khoa học xã hội, Trường Đại học Sài Gòn đã có 26 năm công tác trong ngành giáo dục. Ông từng là giáo viên trường trung học trước khi trở thành giảng viên đại học. Tham gia giảng dạy ở nhiều bậc học, cả ở miền Trung và miền Nam, nông thôn và thành phố, trường công và trường tư, ông hiểu rõ về nghề giáo cũng như sự vận động, thay đổi của nghề.
Ông cho rằng, dù ở thời nào và ở đâu đội ngũ giáo viên cũng yêu nghề, hết lòng vì học trò. “Dấu hiệu của những người yêu nghề là luôn tận tâm với công việc, không quan tâm nhiều tới chuyện lương bổng. Đối tượng mà họ cần lấy lòng là học sinh chứ không phải ai khác”, TS Hiền chia sẻ.
Tuy vậy, ngày nay, đội ngũ giáo viên đang gặp phải không ít khó khăn, áp lực. Ở bậc phổ thông, giáo viên phải làm vô số công việc không liên quan gì đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Có thời, người ta đặt ra vô số sổ sách, tiêu chí thi đua, dự giờ, sáng kiến kinh nghiệm… nhưng thực ra chỉ để hành giáo viên.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương và biện pháp để cắt giảm bớt áp lực sổ sách cho giáo viên. Tuy vậy, có nơi chỉ làm lấy lệ, vì thế, thực chất giáo viên vẫn chưa thoát được “nỗi khổ” này. Ngoài ra, một áp lực khác mà hầu như giáo viên nào cũng “ngán”. Đó chính là áp lực từ các phong trào thi đua trong nhà trường. Những phong trào này nếu gắn với học sinh và thực hiện tốt sẽ góp phần phát triển kỹ năng cho học sinh. Nhưng đáng nói là nhiều nơi lại chỉ triển khai mang tính hình thức, làm đối phó. Như vậy vừa không đạt mục tiêu đề ra, vừa tăng thêm gánh nặng cho giáo viên.
Vun đắp “lửa nghề” cho giáo viên
Trong đời sống xã hội, giáo dục là lĩnh vực được dư luận rất quan tâm và có nhiều phản biện. Vì ai cũng hiểu chút ít những công việc trong nhà trường và có thể nói kiểu nào cũng được. Việc xã hội quan tâm tới giáo dục là điều tốt nhưng tốt hơn cả là cần xây dựng văn hóa tranh luận. Trong khi đó, nhiều người dễ dàng tin tưởng tuyệt đối vào các thông tin trên mạng xã hội mà không có sự kiểm chứng. Do đó, chưa hẳn mọi phản biện đều hợp lý.
Vì vậy, để xây dựng văn hóa tranh biện, từ bậc trung học, học sinh cần phải được dạy rằng: mọi thứ đều có tính tương đối, cái gì cũng có ưu và nhược điểm, cần phải nhìn nhận mọi vấn đề một cách toàn diện, đa chiều. Nếu được đào tạo như vậy thì họ sẽ có thói quen tiếp thu có chọn lọc thông tin trên mạng và phản biện có thiện chí về các vấn đề giáo dục. Để làm được điều đó, công tác đào tạo ở trường sư phạm cũng cần thay đổi
 TS Phạm Ngọc HIền cho biết, chương trình đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay có nhiều điểm mới mẻ, thích ứng với thời đại. Các trường sư phạm thường xuyên cập nhật các kiến thức mới nhất để sinh viên trang bị và vận dụng vào việc giảng dạy ở trường phổ thông. Chẳng hạn, gần đây nhất là bổ sung chương trình giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Ở mỗi ngành cũng cập nhật những kiến thức mới mang tính thời sự. Chẳng hạn như ngành Ngữ văn, sinh viên đã được tiếp cận với lý thuyết diễn ngôn, văn học hậu hiện đại và các hiện tượng văn học nổi bật đang diễn ra trên thế giới… Việc đào tạo sư phạm chú ý nhiều đến việc ứng dụng. Trong một khóa học, sinh viên được đi thực tập ít nhất hai lần và còn tham gia nhiều hoạt động khác ở trường trung học thực hành…
 Trong nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã đưa ra “điểm sàn” dành cho khối ngành sư phạm trong kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng. “Tôi đồng ý rằng tăng điểm đầu vào là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng, để có được một người thầy tốt, vấn đề cơ bản không chỉ nằm ở trình độ mà là ở tinh thần trách nhiệm của người thầy”, TS Hiền cho hay.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây