Kinh tế tuần hoàn tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành chăn nuôi

Thứ tư - 22/03/2023 06:34
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Ngày 21-3, Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”. Tham dự diễn đàn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo các Sở NN-PTNT các tỉnh, thành trong cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện hiệp hội các ngành hàng, doanh nghiệp, HTX…

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp về các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; kết nối các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, để phát triển nền kinh tế tuần hoàn cần hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn…để khuyến khích, thu hút đầu tư.

Những năm qua, ngành chăn nuôi không ngừng phát triển quy mô tổng đàn, tạo nên những giá trị lớn về kinh tế. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, hiện số lượng đàn heo cả nước đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng kéo theo các hệ lụy về ô nhiễm môi trường; khí thải nhà kính; các phụ phẩm trong chăn nuôi chưa được tái sản xuất trong các lĩnh vực khác... Trong bối cảnh ấy, việc sản xuất theo chuỗi để tích hợp đa giá trị theo mô hình kinh tế tuần hoàn là hướng đi bền vững góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Riêng Đồng Nai, với vị trí là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo, đàn gà lớn, tỉnh đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để tái sử dụng các phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt.

Cục trưởng Cục chăn nuôi Dương Tất Thắng ghi nhận những đóng góp tại diễn đàn và cam kết Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT để xây dựng chính sách phù hợp cho chăn nuôi trong giai đoạn tới. Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng. Mô hình này mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sẩm phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau. Đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. Đây cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây