Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013

Thứ năm - 10/06/2021 09:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sau gần 7 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều điểm không theo kịp với nhu cầu phát triển của cả nước, dẫn đến các ách tắc gây khó cho các địa phương trong việc triển khai các công trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội. 

z2539448949777_01a89177e7241a517fc55cbc1a2457ff.jpg

 TP.Biên Hòa có nhiều dự án vướng đất đai tiến độ bị kéo dài 

Đồng Nai là nơi đang triển khai nhiều dự án của Trung ương, vùng, tỉnh, thời gian qua không ít dự án bị ách tắc do vướng các quy định về đất đai. Các vướng mắc trên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ của công trình, dự án.
*Dự án chậm triển khai do vướng đất đai
 Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh, toàn tỉnh có hơn 1,9 ngàn dự án trên các lĩnh vực đang được triển khai. Những dự án trên hầu hết phải sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân nên các địa phương phải tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, có những vướng mắc về đất đai liên quan trực tiếp tới Trung ương, muốn gỡ được UBND tỉnh phải đề xuất với Bộ TN-MT.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay, các dự án triển khai đều liên quan đến đất đai, có nhiều trường hợp vì vướng quy định đất đai dẫn đến tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài. Các dự án chậm triển khai, tổng vốn đầu tư bị đẩy lên khá cao, gây khó cho chủ dự án. Đồng thời, dự án, công trình lâu hoàn thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Cũng theo ông Hà nhiều điểm “nghẽn” về đất đai ở các dự án, công trình là do Luật Đất đai, Nghị định, Thông tư chưa đề cập hoặc chỉ nêu chung chung dẫn đến các địa phương không thể áp dụng xử lý. Do đó, các địa phương cần sớm tổng hợp những vướng mắc liên quan đến đất đai gửi tỉnh tổng hợp kiến nghị Bộ TN-MT sửa đổi bổ sung vào Luật Đất đai.
*Kiến nghị sửa đổi, bổ sung
 Vừa qua, UBND tỉnh có nhiều cuộc họp với các sở ngành, thành phố để lấy ý kiến góp ý cho Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, các sở ngành, địa phương đã chỉ ra hàng loạt những hạn chế cần bổ sung trong Luật Đất đai gồm: quy định về thuê đất không gian ngầm và trên không tại các đô thị; thuê đất mặt nước để làm bến cảng dịch vụ du lịch, khai thác cát trên sông; hướng dẫn thủ tục cho DN nghiệp quốc phòng, an ninh thuê đất; quy định thêm về chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang các loại đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, từ đất sản xuất kinh doanh sang đất thương mại dịch vụ và ngược lại; trong chuyển đổi đất rừng sang đất khác còn mâu thuẫn với Luật Lâm nghiệp cần điều chỉnh để không ảnh hưởng đến các công trình, dự án phải sử dụng đất rừng; hướng dẫn rõ tiêu chí, quy mô, cách xác định dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị; bổ sung quy định về thu hồi đất tạo quỹ đất theo quy hoạch.
Theo Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức, Đồng Nai kiến nghị Bộ TN-MT bổ sung trường hợp gây ô nhiễm môi trường mà bị đình chỉ hoạt động từ 3 lần trở lên hoặc ô nhiễm môi trường nghiệm trọng thì thu hồi đất không cho tiếp tục triển khai dự án, công trình. Đồng thời, quy định cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép đầu tư dự án thì có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Hiện các dự án thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái đang gặp trở ngại là chưa có quy định cụ thể về việc chuyển mục đích xây dựng đối với diện tích được phép 5-20%...
Những vướng mắc về đất đai được khơi thông, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh có thể đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào khai thác, giúp cho GRDP của tỉnh có bước tăng trưởng cao, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh cũng được nâng lên, sớm đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh là 8 ngàn USD/người/năm trong giai đoạn 2021-2025.
                                                                                                  Vi Quân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây