Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hình thành một số không gian VHCC, tạo được những điểm nhấn nhất định như: công viên, quảng trường… Tại một số không gian như: Vườn tượng Chiến khu Đ (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu), Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên hay Công viên Văn miếu Trấn Biên (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đã đặt hàng chục tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá.

Không gian tại phố đi bộ Nguyễn Văn Trị trở thành điểm đến luyện tập thể dục thể thao của người dân
Không gian tại phố đi bộ Nguyễn Văn Trị trở thành điểm đến luyện tập thể dục thể thao của người dân
Tuy nhiên, ở những không gian này thời gian qua chưa được đầu tư, khai thác nhiều để phát huy hết vai trò trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Nhiều không gian chỉ là nơi để luyện tập thể dục
Nhiều không gian VHCC còn đơn điệu, chỉ mới là điểm đến tập luyện thể dục thể thao ngoài trời, hoặc chỉ hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi vào các dịp lễ, Tết như: phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, công viên Biên Hùng, công viên 30-4 (TP.Biên Hòa); công viên Vườn Dầu (H.Long Thành); phố đi bộ Long Khánh, công viên cây xanh, Tượng đài Chiến thắng (TP.Long Khánh)… Điều này vô hình trung gây lãng phí các không gian văn hóa, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Công viên B5 (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã trở thành điểm đến thu hút đông người dân vui chơi vào mỗi sáng sớm và chiều tối. Bà Nguyễn Thị Nhạn (người dân tại P.Tân Tiến) cho biết, bà con nơi đây rất phấn khởi khi có thêm công viên mới đi vào hoạt động. Công viên đã mở ra không gian mới để mọi lứa tuổi đến sinh hoạt. Đặc biệt, nhiều đội, nhóm văn nghệ, thể thao thường xuyên đến luyện tập sôi nổi. Tuy nhiên, hiện nay ở công viên chưa có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc; tình trạng lấn chiếm để buôn bán hàng rong vào buổi chiều diễn ra khá nhiều.
Theo ông Trần Văn Minh, người dân P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa, xây dựng các không gian VHCC trên địa bàn TP.Biên Hòa là cần thiết nhưng phải có quy hoạch cụ thể, có chọn lọc sao cho phù hợp với từng địa điểm, từng khu vực. Chẳng hạn, với không gian công viên Nguyễn Văn Trị, tôi cho rằng cần lắp và thay mới nhiều hơn các thiết bị thể dục, thể thao cho người dân tập luyện; cần có thêm các sân chơi, nhất là biểu diễn nghệ thuật. Nếu xây dựng không gian có trưng bày tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc, tranh ảnh, đường sách…, cần chọn địa điểm hợp lý. Sự phù hợp với không gian nơi nó tồn tại với cộng đồng thụ hưởng tác phẩm nghệ thuật là một đòi hỏi mang tính đặc trưng của loại hình này.

Không gian tại Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên được kỳ vọng trở thành điểm đến của người dân và văn nghệ sĩ
Không gian tại Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên được kỳ vọng trở thành điểm đến của người dân và văn nghệ sĩ
Mong muốn xây dựng không gian văn hóa, nghệ thuật
Theo NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, nhiều năm qua, hội luôn trăn trở về việc TP.Biên Hòa có trên 1,2 triệu dân nhưng đến nay vẫn thiếu địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần, giải trí phù hợp sau những giờ lao động. Trong khi đó, Đồng Nai rất tự hào khi có một lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu, hàng năm sáng tạo hàng trăm tác phẩm VHNT.
“Hội VHNT Đồng Nai đã đề xuất với tỉnh và TP.Biên Hòa về xây dựng không gian văn hóa cộng đồng (tốt nhất là ở khu vực Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh). Đây là địa điểm phù hợp nhất để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thường xuyên như: Chương trình ca múa nhạc, sân khấu, ảo thuật; giới thiệu tác phẩm VHNT, tổ chức triển lãm tranh, ảnh; hay những hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng… Các sinh hoạt văn hóa giải trí lành mạnh tại không gian này sẽ góp phần giảm thiểu tệ nạn xã hội, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân” - NSND Giang Mạnh Hà nói.