Hiện nay, công tác tư vấn hướng nghiệp đã được các trường THPT quan tâm. Nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh với sự tư vấn trực tiếp của các chuyên gia từ các trường cao đẳng, đại học, hiệp hội nghề nghiệp… đã được tổ chức tại các trường. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn chưa đủ để cung cấp thông tin cho học sinh chọn đúng ngành, đúng nghề. Do đó, nhiều học sinh vẫn còn chọn nghề theo cảm tính.
Để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, học sinh cần chủ động tự tìm hiểu, tự hướng nghiệp.

Các chuyên gia tư vấn cho học sinh trong chương trình tư vấn hướng nghiệp Cùng bạn chọn nghề cho tương lai do Sở GD-ĐT phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức
Các chuyên gia tư vấn cho học sinh trong chương trình tư vấn hướng nghiệp Cùng bạn chọn nghề cho tương lai do Sở GD-ĐT phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức
Thiếu kiến thức, thông tin khi chọn nghề
Mong muốn được trở thành một hướng dẫn viên du lịch quốc tế, Cao Thị Anh Thư (học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, TP.Biên Hòa) dự định sẽ theo ngành ngoại thương để theo đuổi công việc này.
Anh Thư lý giải: “Khi học ngành ngoại thương em sẽ có vốn ngoại ngữ tốt và có kiến thức về kinh doanh thương mại. Điều này là phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế hiện nay. Em có thể vận dụng những kiến thức đó khi làm du lịch hoặc có thể chuyển hướng làm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế”.
Nữ sinh này cho biết, em đã thử thực hiện một số bài trắc nghiệm để đánh giá sự phù hợp của tính cách, năng lực bản thân với nghề nghiệp đã chọn. Đồng thời, bản thân đã chia sẻ về định hướng nghề nghiệp của mình với gia đình, thầy cô, bạn bè. Một số người góp ý, việc chọn ngành học của Thư là chưa phù hợp với nghề du lịch. Chính Thư cũng thấy rằng học ngành ngoại thương sẽ không được đào tạo các kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ về du lịch nhưng em sẽ tìm cách học hỏi để bù đắp sự thiếu hụt này. Nữ sinh này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, tham khảo thêm thông tin trong giai đoạn chọn nghề, ngành hiện nay.
Nguyễn Hữu An là thủ khoa ngành sư phạm Ngữ văn trong kỳ tuyển sinh năm học 2012-2023 của Trường Đại học Đồng Nai. Trước khi thi vào Trường Đại học Đồng Nai, An đã học ở một trường đại học khác để theo đuổi ước mơ của mình. Tuy vậy, sau khi học ở đây 3 tháng, nam sinh viên này thấy bản thân không phù hợp với ngành học và quyết định nghỉ học để thi lại vào Trường Đại học Đồng Nai. “Ban đầu, tôi đã chọn sai ngành là do không tìm hiểu kỹ về ngành học, chủ quan cho rằng mình phù hợp, đủ năng lực để theo học”, An thẳng thắn nhìn nhận.
Từ kinh nghiệm cá nhân, An cho rằng ngay từ bây giờ các bạn lớp 12 cần phải xác định rõ về bản thân, tìm hiểu kỹ thông tin ngành, nghề để đưa ra quyết định đúng. “Các bạn cần xem bản thân bạn có tố chất gì, có phù hợp với ngành học mà mình thích hay không. Các bạn cũng nên tìm cách kết nối với người đi trước trong lĩnh vực mà bạn dự định theo học để nghe chia sẻ kỹ hơn nhằm có nhiều thông tin cho quá trình lựa chọn”, An chia sẻ.
Tăng cường tư vấn hướng nghiệp
Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng - giáo dục hướng nghiệp, phân luồng - tư vấn tuyển sinh tại 75 trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Đối với đa số học sinh, chương trình đã giải tỏa “cơn khát” hướng nghiệp mà các em đang mong chờ, nhất là trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp ở năm học cuối cấp. Khó khăn lớn nhất hiện nay của học sinh trong việc chọn nghề là các em không đủ thông tin để tìm ra ngành nghề phù hợp với bản thân mình và chưa tự chủ trong việc tự hướng nghiệp ở phổ thông.
Hiện nay, đa phần học sinh đang chọn trường (theo điểm học tập) hơn là chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Những chương trình tư vấn hướng nghiệp đa phần không thể thỏa mãn hết được những băn khoăn, thắc mắc của học sinh. Nhiều em không đủ tự tin để đặt câu hỏi. Thậm chí với thời gian ít ỏi của một chương trình tư vấn, các chuyên gia cũng không có đủ thời gian để trả lời hết câu hỏi mà học sinh đặt ra.
Nếu ví việc hướng nghiệp như một cái cây thì các học sinh hiện chỉ quan tâm đến phần ngọn để hái quả chứ không quan tâm phần gốc rễ của cây. Theo đó, khi đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn, học sinh chỉ quan tâm về mức thu nhập, công việc trong tương lai mà “quên” đặt câu hỏi về những thứ cần phải xây dựng trước. Đó là kỹ năng, sở trường, yêu cầu bắt buộc phải có để đáp ứng được công việc mà mình lựa chọn.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho biết, trong chương trình tư vấn, đa phần học sinh cứ quanh quẩn hỏi ngành nghề nào tạo ra thu nhập cao, dễ có việc làm, những trường nào dạy giỏi. Trong khi đó, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình thì các em hầu như không quan tâm.
Trường phổ thông cần phải xây dựng chương trình trải nghiệm, giúp các em khám phá bản thân. Sau đó phải có bộ phận tư vấn để các em thấy bản thân mình có phù hợp với ngành nghề mình đã chọn hay không.
Về phía học sinh, các em cũng phải tự hướng nghiệp. Điều này không quá khó. Mỗi ngày, các em có thể tự đặt ra cho mình để xem cái mình yêu thích có phải thực sự là niềm đam mê không, các em có đủ sức làm hay không? Sau khi đặt ra câu hỏi cho chính mình, học sinh phải tự tìm hiểu trước, sau đó gặp gỡ thầy cô, bạn bè và tìm đến các chuyên gia để tham vấn.
Trong quá trình chọn ngành, nghề, cha mẹ chỉ giữ vai trò người đồng hành và cung cấp thêm thông tin cho con thông qua những trải nghiệm, sự hiểu biết của mình để các con có thêm thông tin tham khảo. Quyết định cuối cùng vẫn là bản thân con cái.