Cân nhắc “rẽ lối” khi chọn nghề chưa phù hợp

Thứ bảy - 17/12/2022 21:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Sau khi hồ hởi bước chân vào giảng đường đại học, nhiều tân sinh viên đã không thể hòa nhập được với môi trường mới, học tập sa sút, không theo kịp bạn bè dẫn đến tâm trạng chán nản, không còn hứng thú với việc học. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do những sinh viên này lựa chọn ngành nghề chưa phù hợp.

Trước tình huống đó, nhiều sinh viên đã can đảm dừng lại, phân tích và nhìn nhận thấu đáo thực tế và đưa ra lựa chọn mới. Nhờ đưa ra sự lựa chọn phù hợp hơn, họ đã tìm được niềm vui trong học tập và đạt được những thành quả đáng tự hào.

Minh Thư (người ở giữa) nhận học bổng chương trình thạc sĩ trong buổi lễ tốt nghiệp
Minh Thư (người ở giữa) nhận học bổng chương trình thạc sĩ trong buổi lễ tốt nghiệp

* Chọn lại để làm tốt hơn

Năm 2017, với thành tích giải ba Học sinh giỏi toàn quốc môn Ngữ văn, Đặng Ngọc Minh Thư (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, TP.Biên Hòa) được tuyển thẳng đại học. Không đắn đo, suy nghĩ, cô gái này đã ngay lập tức chọn Khoa Báo chí và truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) để thực hiện mơ ước trở thành biên tập viên truyền hình.

Tự tin và vững vàng vào lựa chọn theo đuổi nghề báo nên Minh Thư hầu như khá chủ quan, không có sự chuẩn bị, tìm hiểu về ngành nghề hay sự thay đổi về văn hóa, lối sống ở môi trường đại học. Chính vì vậy, sau khi nhập học không lâu, Minh Thư cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mất đi nguồn cảm hứng học tập.

“Mặc dù vẫn đạt được kết quả học tập và hoạt động ngoại khóa tốt nhưng tôi không còn cảm thấy vui với việc học của bản thân, dần mất phương hướng và không thấy rõ bản thân thật sự muốn gì. Cuối cùng, sau khi kết thúc học kỳ đầu tiên, tôi lựa chọn “gap year” (năm nghỉ phép) để định hình lại bản thân” - Minh Thư tâm sự.

Năm 2018, Minh Thư thi lại và trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Tuy nhiên, tại thời điểm nhập học, cô gái vẫn không cảm thấy thật sự vui với quyết định này. Trong quãng thời gian “gap year”, Minh Thư đã tham gia vào Ban truyền thông của một tổ chức cộng đồng và nhận ra ngọn lửa yêu nghề báo ngày càng mãnh liệt.

Minh Thư kể: “Tôi luôn nghĩ về ước mơ của mình. Ước mơ trở thành biên tập viên ấp ủ từ năm học lớp 10. Khi nghĩ về giấc mơ lớn của đời mình, tôi quyết định “đánh cược” với lựa chọn của bản thân thêm một lần nữa và quyết định học ngành quan hệ công chúng Trường Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM”.

Khi quay trở lại môi trường đại học, ban đầu Minh Thư khá tự ti, sống khép mình, ít trò trò chuyện với bạn bè và không tham hoạt động ở trường. Tuy nhiên, khi đã quen với môi trường, Thư bắt đầu tham gia nhiều cuộc thi và ứng tuyển các học bổng quốc tế.

Kết quả, tháng 8-2022, Minh Thư tốt nghiệp, đạt thủ khoa toàn trường với điểm số tuyệt đối 4.0. Hiện nay, cô gái này đang làm cộng tác viên tại một kênh truyền hình và đã nhận được học bổng du học tại Mỹ chuyên ngành công nghệ truyền thông kỹ thuật số.

* Cần cân nhắc trước khi “rẽ lối”

Theo chuyên gia tâm lý, TS Tô Nhi A, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh đưa ra sự lựa chọn sai lệch về ngành, nghề cho tương lai. Để giải quyết được điều này, trước tiên các bạn học sinh cần bình tĩnh, thật sự tập trung vào các vấn đề cốt lõi của quá trình chọn nghề: tìm hiểu các ngành nghề trong danh mục nghề nghiệp, tìm hiểu về những ngành đào tạo có thể áp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp đã chọn, tìm hiểu về trường học...

Với những trường hợp sinh viên sau khi vào trường cao đẳng, đại học mới nhận ra rằng mình đã chọn sai ngành cần phải bình tĩnh, suy xét thấu đáo để đưa ra hướng đi tiếp theo.
TS Tô Nhi A phân tích: “Trước tiên các bạn cần bình tĩnh để trả lời câu hỏi xem sự sai lệch mà bản thân mình gặp phải là sai về phương pháp học tập ở đại học, sai về mục tiêu nghề nghiệp hay là sai về lối sống của một tân sinh viên. Trên thực tế, khi trở thành tân sinh viên các bạn phải tự tổ chức cuộc sống của mình. Đôi khi việc tổ chức cuộc sống không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cả quá trình học tập. Do vậy, đừng vội từ bỏ ngay mà hãy đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi nêu trên để có được định hướng cho hành động tiếp theo”.

Sau khi đã bình tĩnh suy xét, tìm ra nguyên nhân và mọi cách khắc phục nhưng vẫn không hiệu quả, các bạn nên dừng lại 1 năm để định hướng lại nghề nghiệp.

“Lúc này, các bạn sẽ quay về các bước chọn nghề như ở bậc phổ thông. Các bạn lại tiếp tục đi trả lời các câu hỏi xem năng lực của bạn như thế nào, phù hợp với các ngành, nghề nào” - TS Tô Nhi A cho biết.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây