(CTT-Đồng Nai) - Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đồng Nai hiện được cho là có tiềm năng phát triển lớn. Do đó, hệ sinh thái này cần được chú trọng với mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp (DN) mới.

Giám đốc Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời Nguyễn Văn Khỏe (bìa phải) giới thiệu thiết bị bẫy muỗi Mosla với mong muốn kết nối được nguồn lực để sản xuất số lượng lớn
Giám đốc Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời Nguyễn Văn Khỏe (bìa phải) giới thiệu thiết bị bẫy muỗi Mosla với mong muốn kết nối được nguồn lực để sản xuất số lượng lớn
Một trong những giải pháp được chú trọng là kết nối các DN khởi nghiệp, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, tận dụng các lợi thế của nhau để cùng phát triển.
Giải pháp để thúc đẩy khởi nghiệp
Đồng Nai có quy mô kinh tế lớn, có hàng chục ngàn DN đang hoạt động, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có nhiều điều kiện để khởi sự DN, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp trong nhân dân. Tuy nhiên, khởi sự DN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dù có tiềm năng song việc kết nối các dự án lại với nhau để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp lại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Đà Nẵng), kinh nghiệm cho thấy, Đồng Nai cần thúc đẩy hợp tác liên vùng, kết nối và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hỗ trợ khác ở khu vực lân cận để hỗ trợ Đồng Nai phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Bên cạnh đó là kết nối với các tổ chức hỗ trợ trực tiếp tại địa phương, trong khu vực, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, để hình thành nên hệ thống cố vấn (mentor), hỗ trợ vốn và kết nối thị trường, thúc đẩy các DN khởi nghiệp địa phương.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lại Thế Thông chia sẻ, sở đang nỗ lực để kết nối các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương. Bên cạnh các cuộc thi khởi nghiệp để tìm ra những dự án, ý tưởng hay, ươm mầm phát triển thì việc kết nối với những đơn vị bảo trợ khởi nghiệp cấp quốc gia, những trung tâm lớn ở các tỉnh, thành có nhiều kinh nghiệm cũng sẽ giúp Đồng Nai tìm ra được hướng đi, giải pháp mới trong thời gian tới.
Phát triển các mô hình hiệu quả
Trong thực tế, thời gian qua, Đồng Nai đã có những dự án khởi nghiệp được biết đến thông qua các chương trình, cuộc thi và cũng được thụ hưởng những nội dung hỗ trợ. Một số DN khởi nghiệp kết nối được với các quỹ đầu tư lớn, gọi vốn thành công.
Đơn cử như Cơ sở Hạ Vy ở huyện Vĩnh Cửu đoạt giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2024 với dự án chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu.
Trước đó, Đồng Nai có một số DN khởi nghiệp gọi vốn được hàng tỷ đồng từ Chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) hay như mới đây, tại chương trình gọi vốn cho các DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, Dự án Phát triển chuỗi phòng nuôi đông trùng hạ thảo, nông nghiệp công nghệ cao của chị Trần Thị Thắm (ở huyện Trảng Bom) đã được cam kết góp vốn 1 tỷ đồng.
Huy động nguồn lực cho hỗ trợ khởi nghiệp không thể thiếu sự đồng hành của DN và các tổ chức xã hội. Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Long Thành (Long Thanh iCenter) thuộc Công ty CP Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Long Thành là một đơn vị ra đời với mục tiêu kết nối các DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trung tâm này vừa được ra mắt trong Chương trình Kết nối giới thiệu công nghệ và sản phẩm của các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ kết quả nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 29-10. Long Thành iCenter đã ký kết hợp tác với dự án đã đoạt giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2024. Theo đó, dự án này sẽ có cơ hội cùng trung tâm kết nối với những DN, quỹ đầu tư trong khu vực để thu hút đầu tư, nâng tầm năng lực, hướng đến sự phát triển bền vững.