Để ngăn chặn tình trạng một số người phạm tội giả vờ bị bệnh tâm thần hòng thoát tội, thời gian qua các cơ quan chức năng đã luôn cẩn trọng trong việc xem xét tình trạng của đối tượng và thực hiện đầy đủ các giám định pháp y tâm thần.
Ông Lê Ngọc Minh (phải) trao đổi về trường hợp vụ án tạm đình chỉ để
trưng cầu giám định pháp y tâm thần với một thẩm phán TAND tỉnh
Điều này không chỉ tạo điều kiện cho người phạm tội được thực hiện đầy đủ quyền lợi của mình mà còn tránh bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, việc giám định pháp y tâm thần đã gặp nhiều khó khăn như: thiếu nguồn kinh phí, hồ sơ bổ sung chậm khiến vụ án bị kéo dài, hoặc đối tượng giả vờ bệnh làm khó cơ quan chức năng.
Lợi dụng giám định tâm thần sau khi gây án
Thời gian qua, có một số đối tượng lợi dụng giấy chứng nhận tâm thần để được đưa đi chữa trị bắt buộc nhằm thoát cảnh tù tội. Có những đối tượng còn nhân cơ hội để bỏ trốn, buộc cơ quan chức năng phải tốn nhiều công sức truy bắt. Không ít đối tượng nhờ giấy chứng nhận tâm thần giả để thoát tội hoặc gây ra hành vi phạm tội khác nguy hiểm cho xã hội.
Điển hình như cuối tháng 6-2021, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Vì Thị Hiếu (35 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) 5 năm tù, Hoàng Văn Sứng (36 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên) 4 năm tù, Ngô Việt Dũng (26 tuổi, ngụ tỉnh Phú Thọ) 24 tháng tù, cùng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các bị cáo này đã làm giả 42 tài liệu liên quan việc giám định tâm thần cho các bị can, phạm nhân tại Trại giam Thanh Lâm và Trại giam số 5 Bộ Công an.
Các tài liệu giả này được chuyển tới TAND tỉnh Thanh Hóa, Trại giam Thanh Lâm và Trại giam số 5, sau đó TAND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chữa bệnh bắt buộc với nhiều phạm nhân đang chấp hành án tù. Sau khi có giấy đi chữa trị bắt buộc, nhiều phạm nhân đã bỏ trốn và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm khác như: mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc…
Tại Đồng Nai, một số đối tượng cũng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tranh thủ lúc đi giám định tâm thần hoặc đang chữa trị bắt buộc đã bỏ trốn, gây khó khăn trong công tác truy bắt của lực lượng chức năng.
Cụ thể, vào ngày 8-10-2021, Công an TP.Biên Hòa đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước truy bắt thành công đối tượng Chu Quang Sáng (32 tuổi, ngụ TX.Bình Long, tỉnh Bình Phước) bỏ trốn khi đang chờ giám định tâm thần tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.
Sáng là đối tượng bị Công an H.Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) khởi tố về hành vi cướp tài sản. Vào ngày 29-9, Sáng được đưa đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa để giám định tâm thần. Rạng sáng 4-10, lợi dụng trong lúc đi vệ sinh, Sáng đã dùng gạch vỡ trong phòng vệ sinh khoét tường chui ra ngoài bỏ trốn.
Bên cạnh đó, có những vụ án chờ kết quả giám định tâm thần khiến cho vụ án kéo dài, ảnh hưởng thời hạn truy tố, xét xử. Điển hình như V.V.L. và T.V.G. (cùng ngụ H.Trảng Bom) bị truy tố về tội chứa mại dâm vào tháng 12-2020. Trong quá trình đưa vụ án ra xét xử, bị cáo có những biểu hiện tâm thần nên đầu năm 2021, TAND H.Trảng Bom đã trưng cầu giám định tâm thần, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả giám định khiến vụ án bị kéo dài.
Không để vụ án kéo dài vì giám định
Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, quy trình để giám định pháp y một người có mắc bệnh tâm thần hay không đòi hỏi phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc giám định pháp y tâm thần hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thành Sơn, thời gian qua, có một số trường hợp khi đưa vụ án ra xét xử, bị cáo có biểu hiện không tỉnh táo, tinh thần bị kích động, có biểu hiện tâm thần nên tòa án đã phải tạm đình chỉ vụ án, tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Theo quy định, quá trình thụ lý vụ án có 3 cơ quan có quyền trưng cầu giám định pháp y tâm thần là cơ quan điều tra, Viện KSND và TAND. Thông thường, khi hồ sơ chuyển sang tòa án, nếu thấy bị cáo có dấu hiệu tâm thần hoặc có những căn cứ để yêu cầu giám định tâm thần thì tòa án sẽ trả hồ sơ cho Viện KSND yêu cầu giám định. Nhưng hầu như sau khi trả hồ sơ, Viện KSND đều giữ nguyên quan điểm nên tòa án phải trưng cầu giám định để hồ sơ được chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.
Tuy nhiên, mỗi ca trưng cầu giám định phải tốn chi phí hơn 30 triệu đồng; tổ chức giám định pháp y yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định phải cung cấp hồ sơ, tài liệu, căn cứ xác định bị cáo có biểu hiện tâm thần. Trong khi đó, để thu thập chứng cứ tốn rất nhiều thời gian và chi phí mà ngành Tòa án không có khoản chi phí này. Ngoài ra, việc giám định thường kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình đưa vụ án ra xét xử.
Đại diện Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa cũng cho biết, giám định pháp y tâm thần là giám định hồi cứu nên tài liệu, hồ sơ thực hiện việc trưng cầu giám định là rất quan trọng. Quá trình thu thập đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chiếm nhiều thời gian và phải được bổ sung nhiều lần làm ảnh hưởng thời gian theo dõi giám định và kéo dài vụ án. Ngoài ra. có nhiều đối tượng cố tình giả bệnh, làm tăng các triệu chứng gây khó khăn cho giám định viên trong quá trình đánh giá và kết luận bệnh.
Theo ông Lê Ngọc Minh, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, để giám định được chính xác, giải quyết nhanh, không làm cho vụ án kéo dài, bỏ lọt tội phạm, các cơ quan tố tụng và giám định pháp y phải phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng cứ, tài liệu. Các cơ quan trưng cầu giám định cần bổ sung hồ sơ nhanh, đầy đủ và thường xuyên đốc thúc tổ chức giám định thực hiện đúng thời gian quy định. Đối với tổ chức giám định phải có trách nhiệm hướng dẫn và đưa ra kết luận theo yêu cầu của cơ quan tố tụng như: bị cáo có bị tâm thần hay không, thời điểm thực hiện hành vi đối tượng có đủ hoặc hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hay không… Điều này nhằm tránh bỏ lọt tội phạm và đảm bảo quyền lợi cho người phạm tội.
“Các đơn vị cần nâng cao chất lượng giám định pháp y tâm thần; mỗi giám định viên phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, đảm bảo kết luận giám định phải khách quan, chính xác. Khi có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, tổ chức liên quan cần báo cáo lại cho cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm để có chỉ đạo kịp thời, gỡ khó cho công tác giám định pháp y tâm thần” - ông Lê Ngọc Minh nhấn mạnh.
Nhật Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập