Việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) trong một năm qua đã phần nào khắc phục được những khó khăn, vướng mắc và đảm bảo tính thống nhất trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Đội ngũ y bác sĩ tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh đang cắt cơn nghiện cho người nghiện ma túy
Đội ngũ y bác sĩ tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh đang cắt cơn nghiện cho người nghiện ma túy
Điều này không chỉ giúp kéo giảm người nghiện mà còn đảm bảo công tác phòng ngừa được thực hiện tốt và mang lại hiệu quả cao hơn.
Kéo giảm người nghiện ma túy
Theo Sở LĐ-TBXH, tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là người nghiện đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Loại ma túy các đối tượng sử dụng có nhiều thay đổi phức tạp. Thay vì trước đây người nghiện sử dụng các loại ma túy như: cần sa, thuốc phiện thì nay chuyển sang các loại: heroin, ma túy tổng hợp - là các loại ma túy có sự tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, rất nguy hiểm. Hình thức sử dụng cũng đổi từ việc chích sang nuốt, hút, hít…
Với tình hình trên, sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực, lãnh đạo các cấp chính quyền đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm nhiều mặt công tác. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao hoạt động cai nghiện và quản lý sau cai.
Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH) Đặng Xuân Hòa cho hay, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa bàn dân cư, doanh nghiệp đến các trường học. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TBXH phối hợp với lực lượng công an, UBND các địa phương tổ chức 11 buổi tập huấn về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các quy định liên quan cho gần 1,2 ngàn người; phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy cho gần 500 người là thành viên các điểm tư vấn cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội… Từ đó, giúp họ có đủ năng lực, kiến thức thực hiện công tác liên quan đến phòng, chống ma túy.
Bà Hồ Thị Thanh (tư vấn viên P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) cho hay, nhờ các đợt tập huấn về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 mà nhân viên các điểm tư vấn được nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Từ đó hỗ trợ, tư vấn cho người dân trên địa bàn để giúp họ nhận biết và tránh xa các loại ma túy; đồng thời, tìm giải pháp phù hợp để đưa người nghiện đi cai nghiện và thực hiện các biện pháp quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện như: giới thiệu việc làm, học nghề, vay vốn… cho họ.
Ngoài hoạt động cai nghiện đạt từ 120-160% so với kế hoạch đề ra, thời gian qua, trong toàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 90 người, hỗ trợ vay vốn cho 4 người với tổng số tiền 160 triệu đồng; tiến hành tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho hơn 350 học viên tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc); tổ chức dạy nghề cho 175 học viên.
Để công tác cai nghiện đạt hiệu quả
Ông Đặng Xuân Hòa cho biết thêm, bên cạnh những mặt đạt được trong công tác cai nghiện, từ đầu năm 2022 đến nay, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đủ mạnh, chưa thực sự đến với đối tượng, nhóm có nguy cơ cao như: thanh thiếu niên bỏ học, tụ tập lêu lổng; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
“Nhiều người dân có con em là người nghiện chưa hiểu được tầm quan trọng của công tác phòng, chống, cai nghiện ma túy nên vẫn xảy ra tình trạng bao che, né tránh và gây khó khăn khi cơ quan chức năng tiếp xúc với người nghiện, đưa người nghiện ma túy đi cai” - ông Hòa cho hay.
Cũng theo ông Hòa, công tác quản lý địa bàn tại một số địa phương chưa chặt chẽ, nhất là việc để các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: karaoke, nhà nghỉ… có cơ hội lợi dụng, lén lút tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Hơn nữa, các cơ sở cai nghiện tự nguyện và cai nghiện tập trung cấp huyện chỉ mới dừng ở việc tiếp nhận, quản lý, cắt cơn mà chưa chú trọng thực hiện việc giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề… Việc hỗ trợ vay vốn cho người nghiện vẫn còn hạn chế, e dè do lo sợ khó thu hồi vốn vay.
Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hồ Trí Lịch cho hay, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung thêm một số nhiệm vụ cho cơ sở cai nghiện công lập như: tiếp nhận, quản lý, cai nghiện cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi; tiếp nhận người nghiện bị tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện… Tuy nhiên, với định mức biên chế thấp, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, cắt cơn nghiện, tổ chức lao động, lao động trị liệu… cho các đối tượng trong độ tuổi này.
Thời gian tới, Sở LĐ-TBXH sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ngành, các cấp để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy; thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, triệt phá tệ nạn xã hội trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện; phát động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy, tố giác tội phạm về ma túy, vận động người nghiện ma túy đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp. Đồng thời, tăng cường lồng ghép công tác cai nghiện ma túy với các chương trình kinh tế, xã hội như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.