Băn khoăn chọn ngành, chọn nghề

Thứ sáu - 16/12/2022 15:15
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Làm thế nào để lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân và có cơ hội việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp là băn khoăn của hầu hết các học sinh đang học lớp 12. Thời gian qua, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đã được tổ chức ở các trường THPT. Qua đó, học sinh được cung cấp thông tin, kỹ năng để tìm hiểu ngành nghề, cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân.

Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đã có nhiều gợi ý giúp học sinh bớt lúng túng trong quá trình chọn ngành, chọn nghề.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trị An tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học trong 1 chương trình tư vấn tuyển sinh
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trị An tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học trong 1 chương trình tư vấn tuyển sinh

Học sinh cần thêm thông tin để chọn ngành, chọn nghề

Nguyễn Thị Yến Như, học sinh lớp 12A15, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) dự định sẽ theo học ngành dược vì nhiều nguyên nhân như: đây là ngành đang phát triển trong xã hội; được gia đình định hướng, khuyến khích và bản thân cũng có sự xem xét, cân nhắc rồi mới chọn.

“Em có tìm hiểu về ngành dược qua nhiều nguồn thông tin và biết rằng học ngành này sẽ rất cực, tốn nhiều công sức, tiền bạc nhưng chỉ cần kiên trì thì có thể theo đuổi. Về việc học cụ thể như thế nào, khó khăn, thuận lợi gì thì em chưa có nhiều thông tin. Em mong trong quá trình chọn nghề, chọn trường, học sinh chúng em sẽ được kết nối với các anh chị sinh viên ở các trường đại học để nghe chia sẽ kỹ hơn về thực tế học tập, môi trường học tập cũng như môi trường sống của sinh viên. Điều này sẽ giúp chúng em chuẩn bị tốt hơn khi bước chân vào đại học”, Như chia sẻ.

Trên thực tế, có rất nhiều học sinh chưa biết cách chọn ngành, nghề phù hợp. Đa số chọn nghề xuất phát từ ý thích cá nhân mà thiếu sự phân tích kỹ lưỡng và chưa có tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hướng nghiệp, Sở GD-ĐT phối hợp với nhiều đơn vị đã tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp. Chuỗi hoạt động này nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình; cung cấp thông tin về dự báo nguồn nhân lực; cung cấp, hướng dẫn kỹ năng chọn nghề, trường…

Bên cạnh đó, các trường THPT cũng có nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp. Chẳng hạn, Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) kết nối giữa các cựu học sinh với sinh viên nhà trường để các cựu học sinh chia sẻ về kinh nghiệm, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình học đại học, cao đẳng… Những chia sẻ này giúp học sinh có thêm thông tin tham khảo.

Một số trường THPT phối hợp với các trường cao đẳng, đại học đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại trường đại học và một số công ty, xí nghiệp. Những điều “mắt thấy, tai nghe” giúp học sinh có thêm “kênh” tham khảo, lựa chọn nghề nghiệp chính xác hơn.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ học
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ học

Tăng cường tự hướng nghiệp

Với kinh nghiệm đã là người làm công tác tuyển sinh và hướng nghiệp nhiều năm, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, khi lựa chọn ngành, nghề, học sinh nên tiến hành theo 3 bước.

Thứ nhất, tìm hiểu về ngành, nghề và trường. Tức là học sinh tìm hiểu về danh mục nghề nghiệp, chọn ra những nhóm nghề mà bản thân quan tâm và có hứng thú. Từ những nghề đó, học sinh sẽ xác định ngành học. Khi chọn được ngành học rồi mới lựa chọn trường (có thể là trung cấp, cao đẳng, đại học).

Thứ hai, xác định về sự phù hợp của bản thân với nghề và ngành học đã chọn. Đây là bước rất quan trọng.

“Các em cần tham khảo các môn học trong chương trình đào tạo xem có hứng thú với ngành học đó hay không. Các em cũng cần xem cơ sở đào tạo có phù hợp với hoàn cảnh của mình. Chẳng hạn với những em không thể sống xa nhà thì nên chọn các trường cao đẳng, đại học ở địa phương. Những em có khả năng quản lý được thời gian, sống độc lập, thiết lập tốt các mối quan hệ xã hội và muốn thay đổi môi trường thì có thể chọn các trường ở các thành phố lớn, thậm chí có thể chọn đi du học” - TS Mai cho hay.
Thứ ba, khi đã xác định chắc chắn nghề, ngành, trường học thì học sinh cần phải lập ra kế hoạch thực hiện. Trong đó, mục tiêu đầu tiên phải tốt nghiệp được THPT. Với mục tiêu đậu vào các trường đại học, cao đẳng, học sinh phải xác định môn học thế mạnh và môn học còn yếu của mình để cải thiện, tăng tốc ôn thi. Cuối cùng, học sinh cần tìm hiểu rõ các hình thức tuyển sinh để chọn phương thức phù hợp nhất với mình.

TS Mai cung cấp thêm thông tin, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, có 35% thí sinh trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh sớm (xét học bạ, điểm đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng) nhưng lại không làm xác nhận nhập học. Điều đó chứng tỏ sự xác định ngành, nghề của các em vẫn chưa chắc chắn.

Chuyên gia này cũng lưu ý thêm, trong xét tuyển đại học, thí sinh có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ có duy nhất một nguyện vọng đậu. Do vậy, học sinh cần tăng cường tự hướng nghiệp cho bản thân để đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất cho tương lai.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây