Rượu cần của đồng bào Mường, ấp Tân Lập, xã Phú Túc có hương vị nồng nàn khác biệt bởi được tạo nên từ vị đắng, vị ngọt, vị cay của cây rừng. Đồng bào Mường đã khéo léo quyện hương vị của cây rừng vào từng bánh men. Để bảo tồn và phát triển làng nghề họ đã thành lập tổ hợp tác (THT) nấu rượu cần mang thương hiệu rượu cần Tân Lập (xã Phú Túc) với hy vọng làng nghề sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.
Tổ hợp tác rượu cần Tân Lập (xã Phú Túc, huyện Định Quán) bên những ché rượu cần do tổ sản xuất
Men say của rừng…
Không biết tự bao giờ, rượu cần đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc ở Đồng Nai. Tuy nhiên, mỗi dân tộc làm ra hương vị khác nhau. Bà Quách Thị Hồng Nguyệt - dân tộc Mường (ấp Tân Lập, xã Phú Túc) có 30 năm gắn bó với nghề làm rượu chia sẻ rằng, làm rượu cần không quá khó nhưng đòi hỏi sự công phu trong tìm nguyên liệu và cẩn trọng trong chế biến mới có được ché rượu thơm ngon. Nguyên liệu chính làm rượu là gạo nếp, trấu và men. Riêng gạo nếp phải là nếp nương của người Mường mới cho ra cơm dẻo, thơm.
“Người Mường dùng men lá tự chế từ các loại lá cây rừng như: trơ trẳng, gừng, riềng, lá mít, lá ổi, vỏ cây gỗ mun và nhiều nguyên liệu khác. Gạo nếp sau khi ngâm qua một đêm sẽ được rửa lại với nước, sau đó trộn với vỏ trấu đã được làm sạch rồi mang đi “đồ chín”. Cơm nếp trộn trấu chín được đem làm nguội, trộn với men lá giã nhuyễn, ủ khoảng rồi cho vào ché, đợi 20 đến 30 ngày mới cho ra được thứ rượu ngọt ngào, có lợi cho sức khỏe” - bà Nguyệt nói.
Ché rượu của người Mường làm bằng đất, tráng men sành sứ có màu nâu với hình ảnh, họa tiết đơn giản. Ché càng cổ lại càng quý, đựng rượu càng ngon. Tuy nhiên, loại ché này hiện không còn nhiều, chỉ vài ba nhà còn cất giữ. Ngày nay, bà con chủ yếu mua các loại ché bán thông dụng trên thị trường. Những hộ gia đình được gọi là uy tín và làm rượu cần ngon hầu như dựa vào tay nghề, kinh nghiệm đo đúng liều lượng của các loại nguyên liệu.
Có kinh nghiệm làm rượu từ khi còn rất nhỏ Nguyễn Đình Du (55 tuổi, ấp Tân Lập) cho biết: “Để biết rượu ngon hay không ngon thì căn cứ vào màu rượu, mùi thơm đặc trưng, ngọt ngào, uống vào có chút đắng nhưng lại hòa vào vị ngọt là chính. Uống vài hơi vẫn thấy chưa say nhưng khi rượu ngấm có cảm giác ấm người, lâng lâng. Trong cùng một ché đôi khi có những chỗ ngọt hoặc chua khác nhau là vì lúc trộn nguyên liệu chưa đều tay. Do vậy, nếu không ưng ý, người uống có thể rút cần và găm vào chỗ khác, ngon hơn. Rượu cần để lâu năm được xem là quý, hương rượu thơm ngát lan tỏa nồng nàn thật hấp dẫn”.
Lầu đến với bà con dân tộc Mường để nghiên cứu văn hóa và được bà con mời rượu, anh Trần Minh Trí (Bảo tàng Đồng Nai) tâm sự: “Tôi đã uống rượu cần nhiều nơi nhưng cảm nhận riêng tôi, rượu của bà con nơi đây rất ngon, rất đằm. Đặc biệt bà con mời khách rất thân tình, ấm áp và rất cởi mở tạo cho những người khách mới đến cảm thấy rất gần gũi với bà con. Và khi men say lâng lâng trong người, tôi thấy không khí càng thắm thiết hơn, gần gũi hơn”.
Gìn giữ nghề truyền thống Mường
Tôi từng được thưởng thức rượu cần của người Chơ ro, người Mạ, S’tiêng ở Đồng Nai - loại rượu chế xuất từ cây rừng, tuyệt nhiên ít khi nghe về rượu cần Phú Túc - xã có đa số là người dân tộc Mường. Hóa ra kiến thức, sự hiểu biết của tôi về mảnh đất mình đang sinh sống quá hạn hẹp. Nhiều người Mường nói rằng, từ ngày trước, ông cha họ đã nổi tiếng nấu rượu cần rồi, sau giải phóng đến nay thì bỏ, không nấu nữa. Để bảo tồn và phát triển làng nghề họ đã thành lập THT nấu rượu cần mang thương hiệu rượu cần Tân Lập (xã Phú Túc) với hy vọng làng nghề sẽ ngày càng được nhiều người biết đến.
Hiện tại, THT rượu cần Tân Lập có khoảng 16 thành viên do bà Quách Thị Hồng Nguyệt làm tổ trưởng. Bởi mới thành lập nên mỗi năm THT sản xuất nhỏ lẻ với hơn 100 bình. Vào dịp lễ, Tết, số lượng đặt hàng có thể hơn, giá bán giao động từ 300 - 500 ngàn đồng/ché tùy vào kích cỡ. “Rượu cần của THT luôn được thực khách ưa chuông, rượu làm ra tới đâu đều được tiêu thụ hết tới đó. Chúng tôi cũng mong thời gian tới chính quyền địa phương giúp đỡ, giới thiệu khách du lịch đến với làng văn hóa Mường để làng nghề phát triển hơn” - bà Nguyệt bày tỏ.
Theo ông Lê Văn Buốt (xã Phú Túc, huyện Định Quán) nghề nấu rượu cần ở Phú Túc trước đây chủ yếu chỉ phục vụ trong gia đình và địa phương. Bí quyết làm rượu cần truyền thống thơm ngon, đúng chất lượng ngày càng bị mai một, ít người biết. Trong khi đó, nguyên vật liệu từ rừng ngày càng khan hiếm. Sự lẫn lộn thật - giả của rượu cần trong thị trường hiện nay rất đáng lo ngại. Bây giờ ở Phú Túc đã có hẳn một THT chuyên nấu rượu cung ứng thị trường - đó là một tín hiệu vui nhen nhóm lên với mảnh đất núi rừng xa xôi của thành phố.
Bà Quách Thị Hồng Nguyệt, dân tộc Mường (ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán) đang trộn gạo nếp và trấu để làm rượu cần
Trưởng ấp Tân Lập Nguyễn Ðăng Dung cho biết, nấu rượu cần trước hết là khôi phục nghề truyền thống của ông cha trước đây, đồng nghĩa với việc khôi phục những nét sinh hoạt văn hóa theo thời gian bị mai một dần. Không gian văn hóa giàu bản sắc của đồng bào Mường đang được phục dựng dần để phục vụ trưng bày, giới thiệu khi Nhà văn hóa dân tộc Mường khánh thành và đưa vào sử dụng. Và xa hơn nữa, ấy là phục vụ kinh doanh, bán ra thị trường, nâng cao thu nhập cho đồng bào Mường ở ấp Tân Lập.
Ông Nguyễn Đăng Dung khoe gần đây đã có một vài đoàn từ thành phố và các địa phương tỉnh bạn đến ấp Tân Lập giao lưu. Trong những lần đó, rượu cần ấp Tân Lập, xã Phú Túc được mời thưởng thức và nghe “thẩm định” chất lượng. Họ uống, họ ưng cái bụng, tìm đến mua, đặt hàng. “Mừng là khách ai cũng tấm tắc, bảo chẳng khác gì rượu cần của người Chơ ro, người Mạ hay rượu cần ở Tây Nguyên. Bước đầu như thế là thành công rồi”- ông Dung hào hứng nói.
Thanh Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập