Du lịch Đồng Nai sẽ bứt phá

Thứ tư - 18/11/2020 14:09
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Theo PGS-TS.Nguyễn Công Hoan, Trưởng bộ môn Du lịch lữ hành, Khoa Du lịch Trường Đại học Tài chính - Marketing nhận định, một khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động thì du lịch của Đồng Nai sẽ “bứt phá” để trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Đông Nam bộ.
6d16b0fd76a287fcdeb3.jpg 
PGS-TS.Nguyễn Công Hoan
Nhiều khởi sắc
* Là một trong những thành viên tham gia phản biện đề án “Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của du lịch Đồng Nai thời gian gần đây?
- Du lịch tỉnh Đồng Nai những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc về mọi mặt, từ hệ thống cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chính sách thu hút các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế cũng như các hộ tư nhân tham gia vào khai thác du lịch ngày một nhiều; chính sách đầu tư các điểm, khu du lịch có trọng điểm về cả chất và lượng. Các doanh nghiệp lữ hành có sự gắn kết ngày càng chuyên nghiệp, hoàn thiện từ khâu tổ chức đến hoạt động và vận hành ngày một tốt hợn.
* Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Đồng Nai phong phú, đa dạng và ngày càng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, du lịch Đồng Nai chưa phát triển xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Nhìn thực tế, Đồng Nai chưa mạnh dạn đầu tư quảng bá, xúc tiến du lịch và nếu có tham gia cũng còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún vì kinh phí hoạt động còn ít, nhưng lại phải chi cho nhiều hoạt động khác. Là một tỉnh có số dân đông, số lượng công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều, họ là những du khách dễ dàng chi tiêu cho một số loại hình du lịch mang tính giải trí, khám phá. Tuy nhiên, tại các khu du lịch, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa có nhiều chương trình, sản phẩm phù hợp với đối tượng này...
* Có một thực tế hiện nay là lượng khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đến Đồng Nai ngày càng tăng nhưng doanh thu từ du lịch vẫn còn rất hạn chế. Theo ông, Đồng Nai nên làm gì để tăng doanh thu từ du lịch?
- Khoảng cách các điểm tham quan ở Đồng Nai rất gần với TP.Hồ Chí Minh nên việc lưu trú qua đêm tại Đồng Nai cũng rất ít. Bài toán làm thế nào để thu hút khách, đặc biệt là để du khách chịu chi trong lưu trú là vấn đề cần bàn. Mỗi du khách đi du lịch sẽ phải chi tiêu một số khoản cơ bản như: Chi phí lưu trú, chi phí phương tiện vận chuyển, chi phí ăn uống, tham quan, thuê hướng dẫn viên, mua sắm... Ngành du lịch của tỉnh phải quan tâm đến việc đầu tư, phát triển có trọng điểm cho hệ thống dịch vụ, thu hút chi tiêu của khách, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Theo đánh giá của ông, những điểm đến nào của Đồng Nai sẽ bứt phá trong thời gian tới?
- Theo tôi, sẽ có một số điểm đến của Đồng Nai bứt phá trong thời gian tới. Đó là tuyến du lịch Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch sẽ bứt phá, vì khi Sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng và đưa vào khai thác thì số lượng khách đến Đồng Nai sẽ tăng, dự kiến sẽ tăng cao. Điểm đến kế tiếp tuyến du lịch khám phá, tham quan, trải nghiệm, văn hóa lịch sử cách mạng về nguồn tại huyện Vĩnh Cửu. Bởi nơi đây có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên như rừng, sông, hồ đặc biệt là hồ Trị An; có di tích lịch sử, cách mạng và văn hóa của dân tộc thiểu số bản địa Chơ Ro. Ngoài ra, loại hình du lịch nông trang tại làng bưởi Tân Triều kết hợp du lịch thể thao leo núi bằng xe đạp… hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Đồng Nai.
e79dc523037cf222ab6d.jpg 
Du lịch đạp xe, trải nghiệm hồ Trị An tại huyện Vĩnh Cữu
được kỳ vọng sẽ là 1 trong 2 điểm đến bứt phá
Ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 vào du lịch
* Năm 2019 Đồng Nai đã triển khai giải pháp ứng dụng du lịch thông minh. Các nền tảng “số hóa” du lịch của Đồng Nai cũng đã bắt đầu “vận hành”. Là chuyên gia trên lĩnh vực du lich, ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức đối với du lịch Đồng Nai trước cách mạng 4.0?
- Sự bùng nổ của 4.0 sẽ tạo cơ hội cho du lịch Đồng Nai phát triển giới thiệu, quảng bá tài nguyên và tiềm lực du lịch sẵn có của mình đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng là thách thức lớn nếu du lịch Đồng Nai chưa chuẩn bị kỹ về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân lực, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số, về nội dung sản phẩm, các dịch vụ, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, các tuyến, điểm du lịch, giá cả chương trình và dịch vụ bổ sung phục vụ cho chương trình du lịch.
* Đồng Nai là tỉnh thu hút đông người lao động, trong đó có lao động trên lĩnh vực du lịch. Việc số hóa du lịch có ảnh hưởng đến nhân sự của du lịch không? Đồng Nai cần phải làm gì để có thể cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch?
- Số hóa trên lĩnh vực lịch ảnh hưởng không nhỏ đến nhân sự du lịch, điều này chúng ta thấy rõ. Vì du khách có thể ngồi nhà vào mạng internet tra google để tìm kiếm các thông tin, lĩnh vực, dịch vụ…tất cả đều được đăng tải trên hệ thống mạng thay vì phải đến công ty du lịch hỏi thông tin, nghe tư vấn và quyết định mua.
Theo dự báo nhu cầu lao động trong ngành du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tổng lao động cần 147.777 người, trong đó lao động trực tiếp cần 45.862 người và lao động gián tiếp cần 101.915 người. Điều này cho thấy, mặc dù ngành du lịch ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 rất lớn nhưng không thể thay thế được nguồn lao động con người. Bởi con người giải quyết được tất cả công việc, nhu cầu mà du khách yêu cầu, cả tình cảm, quá trình giao lưu giữ con người với nhau. Sự tương tác ấy trong du lịch luôn là vấn đề quan trọng và then chốt trong mọi thời đại.
* Mỗi điểm đến nên có những định hướng khác nhau để tạo thương hiệu riêng. Trước sự bùng nổ 4.0, du lịch Đồng Nai nên đi theo con đường nào để có thể xây dựng thương hiệu riêng cho mình?
- Các điểm đến ngoài tiềm năng, tính bền vững là chìa khóa, cần phải hoạch định cho mình sản phẩm du lịch đặc thù riêng có để thu hút khách du lịch đến ngày một nhiều, tạo thương hiệu và doanh thu cao. Đồng Nai là điểm đến với tài nguyên rừng, sông và các điểm du lịch tâm linh. Vì vậy, ngành du lịch cần xem xét các sản phẩm có thể được thêm vào để tạo sự bền vững và thu hút các khách du lịch gia đình. Việc xác định các tuyến du lịch đặc trưng sẽ xây dựng một số loại hình du lịch, sản phẩm đặc thù, để từ đó đầu tư, quảng bá, xúc tiến trở thành sản phẩm độc đáo mang thương hiệu địa phương và quốc gia.
* Xin cảm ơn ông!
Thanh Thanh (thực hiện)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây