Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Trách nhiệm không của riêng ai

Thứ bảy - 16/12/2023 21:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Đã 2 tuần trôi qua kể từ khi clip nhóm học sinh bao vây, tấn công cô giáo trong lớp học xảy ra ở tỉnh Tuyên Quang được phát tán trên mạng xã hội. Song sức nóng của clip này vẫn chưa hạ nhiệt. Trên khắp các diễn đàn, chủ đề về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn được bàn luận sôi nổi. Điều gì đã khiến cho đạo đức của nhóm học sinh này xuống dốc như vậy? Trách nhiệm này thuộc về ai?...

Để nuôi dạy, giáo dục một đứa trẻ nên người là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhưng vai trò quan trọng hàng đầu chắc chắn phải thuộc về gia đình.

Học sinh Trường THPT Xuân Lộc tham gia đối thoại cùng lãnh đạo nhà trường. Đây là một trong những cách làm giúp thầy cô gần gũi, hiểu học trò hơn.
Học sinh Trường THPT Xuân Lộc tham gia đối thoại cùng lãnh đạo nhà trường. Đây là một trong những cách làm giúp thầy cô gần gũi, hiểu học trò hơn.

“Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”

Đó là câu ngạn ngữ của Châu Phi khi nói về việc giáo dục trẻ em. Câu nói ngắn gọn nhưng đã khẳng định một triết lý giáo dục đúng đắn, không thể bàn cãi. Đó là để nuôi lớn, dưỡng dục một đứa trẻ nên người chính là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cộng đồng đó bao gồm 5 chủ thể then chốt trong giáo dục là: Nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học.

Thầy Kiều Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) cho rằng, trong giáo dục học trò, vai trò của quản lý nhà trường là rất quan trọng. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng là hoạt động thường xuyên mà Trường THPT Xuân Lộc tổ chức trong các tiết sinh hoạt dưới cờ.

Cùng với đó, thầy Hà còn trực tiếp làm Tổ trưởng tổ chủ nhiệm. Trước mỗi buổi sinh hoạt chủ nhiệm, thầy đều làm việc trước với giáo viên, thảo luận và quán triệt một số nội dung cần thiết. Ngoài ra, thầy cũng tham gia dự giờ tiết chủ nhiệm của một số lớp; trực tiếp giải quyết một số vấn đề mâu thuẫn giữa học sinh, biểu hiện bạo lực học đường… Nhờ đó, học sinh có những thay đổi rõ rệt.

Thầy Hà chia sẻ: “Ở tuổi học trò, nhiều em còn bồng bột nên có những lời nói, hành vi ứng xử chưa phù hợp. Nhiều em có mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình nên không tin tưởng, chia sẻ với cha mẹ. Trong hầu hết các vụ việc học sinh vi phạm và phải biết bản tự kiểm thì các em đều không nhận lỗi mà chỉ giải thích lý do. Vì vậy, giáo viên phải giúp các em nhận ra lỗi và định hướng cho các em. Điều quan trọng là giáo viên đừng bao giờ nhìn học trò vi phạm với ánh mắt định kiến, thiếu thiện cảm. Vì sự giáo dục của thầy cô có thể thay đổi cuộc đời học trò”.

Theo Ts tâm lý Đào Lê Hoà An, nhà sáng lập Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp JobWay, nhà trường là một xã hội thu nhỏ mà ở đó, các em học sinh là một nhân tố chịu ảnh hưởng của tất cả các mối quan hệ, các tình huống xung quanh mình. Sự phát triển chưa đồng bộ về tâm lý, suy nghĩ khiến lứa tuổi này dễ trở nên bốc đồng, muốn chứng tỏ bản thân mình.

Ông An cho rằng, việc chú trọng đến sức khoẻ tinh thần, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hợp tác, cách thức thể hiện bản sắc cá nhân một cách tích cực, nuôi dưỡng tính cách, lòng biết ơn và tình yêu thương nên trở thành những tiêu chí quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có như vậy, mới có thể hi vọng có được trường học hạnh phúc mà ở đó các em học sinh đều thích đến trường, thầy cô thích đến lớp trong một môi trường thân thiện, tích cực,

Cha mẹ cần sát sao hơn với con cái

Có con trai đang học lớp 7 nên chị Nguyễn Thu Thủy (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) rất quan tâm đến vụ việc bạo lực học đường ở Tuyên Quang. Chị Thủy thẳng thắn cho rằng, nếu con cái chưa ngoan và có lỗi thì người phải chịu trách nhiệm đầu tiên chắc chắn phải là cha mẹ. Theo chị, môi trường giáo dục của gia đình quyết định phần nhiều đến sự hình thành nhân cách của mỗi con người. Đặc biệt, ở lứa tuổi thiếu niên, giáo dục gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng.

“Tôi không có đủ năng lực để dạy kiến thức ở trường cho con vì chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Vì vậy, thú thật là tôi hoàn toàn giao phó việc học của con cho nhà trường. Nhưng việc giáo dục nhân cách, đạo đức, hành vi ứng xử cho các con thì tôi không thể phó mặc cho người khác mà phải theo sát để uốn nắn con từng chút một”, chị Thủy cho hay.

Ts Đào Lê Hoà An chia sẻ: “Rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy kỹ năng tự quản lý và kiểm soát bản thân (phần rất quan trọng trong tính cách) là chỉ báo dự đoán được sự thành công và hạnh phúc của mỗi con người khi trưởng thành. Nhưng rất tiếc, nhiều phụ huynh lại chỉ quan tâm nhiều đến chỉ số về chiều cao, cân nặng, hay thành tích học tập”.

Theo chuyên gia tâm lý này, để nuôi dưỡng tính cách, không thể chỉ xuất phát từ những lời nói, mà phần quan trọng chính là cách thức hành động, thái độ trong từng tình huống cụ thể. Do đó, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo. Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh cũng có những cách ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng với chính đứa con, với những người thân trong gia đình.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây