Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về hội nhập sâu. Điều này mang đến cho các DN cơ hội để mở rộng hợp tác đầu tư và xuất khẩu hàng hóa với nhiều đối tác quan trọng.
Sản xuất linh kiện máy bay xuất khẩu tại Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2
Các FTA đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, đồng thời thu hút được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2021, đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
Xuất khẩu tăng nhờ các FTA
Hàng hóa của Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Mặt hàng xuất khẩu nhiều là dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nông sản, thủy sản… Các FTA được xem như cứu cánh trong đại dịch Covid-19, giúp các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh.
Bà Delphine Rousslet, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU tăng nhanh nhất là khi FTA Việt Nam- EU được ký kết và có hiệu lực. EU trở thành thị trường lớn và quan trọng với Việt Nam. Các DN FDI trong đó, có DN EU đầu tư vào Việt Nam, Đồng Nai ngày càng nhiều để hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào các nước Việt Nam có ký các FTA”.
Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vẫn đạt hơn 21,8 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2020 là do các DN đã khai thác được các lợi thế từ các FTA mang lại để phục hồi và mở rộng sản xuất.
Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch) cho hay: “Hiện nay, Hyosung đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3,24 tỷ USD và riêng Đồng Nai là 1,8 tỷ USD. Lĩnh vực Hyosung đầu tư là sản xuất các loại sợi để xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những năm gần đây, Hyosung liên tục mở rộng sản xuất, xuất khẩu tại Đồng Nai cũng như một số tỉnh thành khác là để khai thác ưu đãi về thuế quan từ các FTA Việt Nam đã ký kết”.
Sản xuất linh kiện máy bay xuất khẩu tại Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2
Điểm đến của nhiều nhà đầu tư
Các FTA không chỉ mở ra thị trường xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh cho DN khi nhiều dòng thuế đã hoặc đang giảm về 0% mà còn giúp thu hút đầu tư FDI tốt hơn. Với 16 FTA đã ký kết, trong đó có những hiệp định lớn như: CPTPP, EVFTA, RCEP đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến khá hấp dẫn tại khu vực ASEAN. Vì CPTPP và EVFTA ngay khi chính thức có hiệu lực, nhiều dòng thuế đã giảm về 0%, giúp DN tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ quốc gia khác khi cùng xuất khẩu vào một thị trường.
Bà Sunny Chen, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Shing Mark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Từ khi đầu tư vào Đồng Nai, công ty đã tiến hành tăng vốn vài lần để mở rộng sản xuất, xuất khẩu để hưởng các ưu đãi từ các FTA Việt Nam đã ký kết. Công ty dự tính sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp và một số lĩnh vực khác”.
Nhiều tập đoàn FDI tại Đồng Nai như: Amata, Fujitsu, Hyosung, Nestlé, Taekwang, Lixil, Meggitt, Schaeffler… cho biết, trong thời gian tới họ tiếp tục tăng vốn đầu tư vào tỉnh trên các một số lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, logistics, du lịch.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, để đón đầu dòng vốn FDI chất lượng cao vào tỉnh, Đồng Nai đang gấp rút hoàn thành thủ tục để mở rộng, xây dựng mới nhiều khu công nghiệp. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cho Đồng Nai 39 khu công nghiệp, trong đó có 32 khu công nghiệp đã thành lập và 7 khu công nghiệp đang chuẩn bị thành lập. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi, kết nối giao thông vùng, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, giữ môi trường sản xuất kinh doanh ổn định để các dự án đầu tư đạt hiệu quả cao.
Vi Quân