(CTT-Đồng Nai) - Đồng Nai đang trở thành cực hút đối với các nhà đầu tư Đức. Với vị trí chiến lược cùng sự phát triển đồng bộ về hệ thống hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp cũng như mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững… Đồng Nai còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Đức bởi mức chi phí đầu tư vào Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung thấp hơn một số quốc gia khác, đồng thời cam kết của Chính phủ về ưu tiên phát triển kinh tế xanh, bền vững, hướng tới Net zero vào năm 2050 đã góp phần tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Dây chuyền sản xuất của DN Đức tại Đồng Nai.
Dây chuyền sản xuất của DN Đức tại Đồng Nai.
Cơ hội làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn, hiện đại
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Đồng Nai thu hút được các doanh nghiệp chất lượng cao đến từ nước Đức, thì sẽ có điều kiện để vươn lên phát triển công nghiệp công nghệ cao vượt trội. Bởi, Đức được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế hàng đầu khu vực châu Âu và nằm trong top đầu thế giới về phát triển ngành công nghiệp chất lượng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phục vụ cho ngành sản xuất ô tô, máy móc, hóa chất, dược phẩm và kỹ thuật.
Với những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, thiết thực về các lĩnh vực hỗ trợ thuế, tiền thuê đất… tỉnh Đồng Nai đang là điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư, bao gồm cả trong nước và nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được một số dự án FDI nổi bật của Đức như: dự án Công ty TNHH Ziehl-Abegg Việt Nam tại KCN Nhơn Trạch 2, dự án Nhà máy Pearl Việt Nam tại huyện Long Thành và những dự án mở rộng khác. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng là nơi thu hút nhiều dự án khác từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Đức như: Bosch, Schaeffler, Bayer, Neumann Gruppe, FRIWO, FRAMAS…
Trong chuyến thăm và làm việc của Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam với hơn 40 doanh nghiệp đến từ Đức, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất vào Đồng Nai, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam Alexander Ziehe cho biết, các doanh nghiệp Đức đang rất ấn tượng với môi trường mở cửa mời gọi đầu tư và sự chuyên nghiệp mà Đồng Nai đang xây dựng đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin rằng, trong tương lai, Đồng Nai sẽ nâng cao vị thế như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và ngăn ngừa các dự án FDI lựa chọn các quốc gia lân cận.
Tăng tính hấp dẫn mời gọi đầu tư
Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành dưu kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026. Đây sẽ là cơ sở để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội cho Đồng Nai và cho cả toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi đó, Đồng Nai sẽ có kết nối đa phương thức gồm: đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa…
Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nguyễn Trí Phương cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, hầu hết các đơn vị chủ đầu tư của Đức luôn cam kết thực hiện đúng tiến độ đã đăng ký. Cụ thể là mới đây nhất, Nhà máy của Công ty TNHH Ziehl-Abegg Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động sau gần 1 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, Công ty TNHH Ziehl-Abegg Việt Nam cũng như các công ty khác của Đức luôn tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách cho người lao động để cùng chính quyền địa phương hướng đến phát triển công nghiệp xanh và bền vững.
Để thu hút các doanh nghiệp Đức đến với Đồng Nai, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam Alexander Ziehe cho rằng, Đồng Nai cần cải thiện một số vẫn đề. Trong đó, vấn đề thứ nhất là quy trình xử lý thủ tục hành chính của Đồng Nai còn phức tạp, thời gian xử lý khá lâu đối với giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, các quy định về môi trường và an toàn, cùng thủ tục thông quan làm tăng chi phí và chậm tiến độ hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề thứ hai là các quy định thanh toán quốc tế còn hạn chế khiến nhiều dự án bị chậm trễ trong giao dịch và dòng tiền, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển và thành công của doanh nghiệp. Các vấn đề khác như: cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu; chi phí vận chuyển và kho bãi còn ảnh hưởng đến sản xuất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; việc cấp visa và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài còn nhiều khó khăn…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam mong muốn Đồng Nai đẩy mạnh cải cách hành chính; xóa bỏ chế độ báo cáo phức tạp về thanh toán ngoại tệ và đơn giản hóa quy tắc về vốn đầu tư, đồng thời có những ưu đãi thuế và tài chính cũng như tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng. Điều chỉnh các chính sách lao động và một số vấn đề khác liên quan đến thủ tục đất đai, hợp đồng hợp tác…