Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, du lịch Đồng Nai đang ngày càng có sự phát triển tích cực, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, thu hút du khách đến Đồng Nai.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu)
Ngoài nỗ lực phát triển, tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương. Việc đầu tư hạ tầng du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường du lịch cũng được tập trung triển khai đồng bộ, tạo sự phong phú cho du lịch địa phương.
Tạo môi trường đầu tư ổn định
Đề du lịch có sự phát triển, Đồng Nai luôn chú trọng đối với hạ tầng giao thông, đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng. Các dự án hạ tầng giao thông của trung ương qua địa bàn tỉnh như: tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành…luôn được Đồng Nai phối hợp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là tuyến đường dẫn vào các khu du lịch tại các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú.
Đối với lĩnh vực thu hút dự án đầu tư phát triển du lịch, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định chủ trương đầu tư, tổng số vốn đầu tư 1.445 tỷ đồng, đến nay, toàn tỉnh có 26 dự án phát triển du lịch. Mục tiêu đầu tư của các dự án là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn, khu đô thị du lịch.
Ngoài những nỗ lực phát triển du lịch nội tại cũng như thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, Đồng Nai còn tích cực trong việc quảng bá, kết nối du lịch để cùng phát triển vùng Đông Nam bộ.
Nhận định về hướng phát du lịch cho Đồng Nai trong những năm tới, tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ (ĐNB), Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cũng nhấn mạnh, Đồng Nai đang tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện để du lịch Đồng Nai có sự gắn kết với các tỉnh ĐNB. Trong đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh sẽ là những ưu tiên hàng đầu, bởi nó sẽ giúp tỉnh phát triển kinh tế và tạo sự kết nối về du lịch trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng và đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư vào Đồng Nai, đồng thời xây dựng, khai thác các dự án du lịch tiềm năng của tỉnh. Đồng Nai sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn du khách tôn trọng và có thái độ ứng xử văn hóa, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch. Nhất là trong giai đoạn phong trào người dân cùng làm du lịch, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục cộng đồng, tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của dân cư về ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch nhằm xây dựng môi trường xã hội an toàn, thân thiện, chuyên nghiệp đối với du khách.
Khai thác thế mạnh du lịch địa phương
Đồng Nai từ lâu đã nổi tiếng với các thế mạnh về du lịch rừng, thác, hồ. Những năm gần đây, với đặc thù là tỉnh có diện tích cây ăn trái rất lớn trong vùng, Đồng Nai đã hình thành những vùng du lịch sinh thái vườn, được khởi sướng từ trong nhân dân, góp phần tiêu thụ và đưa nông sản địa phương song hành cùng với ngành du lịch phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm rừng, thác, hồ…như: du lịch nhà vườn (TP.Long Khánh, Long Thành…); du lịch sinh thái rừng, hồ (H.Tân Phú, H.Vĩnh Cửu, H.Định Quán); du lịch sông nước (H.Nhơn Trạch, H.Vĩnh Cửu…) cùng với những điểm du lịch nổi tiếng như: KDL Bửu Long, KDL Thác Đá Hàn, Giang Điền, Suối Mơ…đang ngày càng nở rộ.
Trong đó, điển hình là mô hình du lịch sinh thái vườn tại TP.Long Khánh trong những năm gần đây, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển bền vững, Theo UBND TP.Long Khánh, đến nay hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố đều có hộ tham gia đăng ký mô hình du lịch sinh thái vườn. Tổng diện tích các vườn cây ăn trái làm du lịch khoảng hơn 200 hécta, trồng xem canh các loại cây đặc trưng của địa phương như: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…
Hay như H.Tân Phú, trong 5 năm trở lại đây (ngoại trừ thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-2019), lượng khách và doanh thu từ du lịch của Tân Phú luôn tăng khá, vượt kế hoạch từ 20-50% mỗi năm. Những mô hình du lịch như: du lịch sinh thái, homestay, đặc biệt là một số điểm du lịch Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, Làng đồng bào dân tộc, Nhà dài ở xã Tà Lài thu hút lượng khách trong và ngoài nước, có những thời điểm trở nên quá tải.
Phan Anh