Để công tác vận động, tiếp nhận, sắp xếp và phân phối tiền, hàng từ nhà tài trợ chuyển đến người dân vùng bão lũ miền Trung diễn ra suôn sẻ không thể không nhắc đến đóng góp của lực lượng hậu cần.
Lực lượng đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể khác nhau này đang âm thầm góp sức mình thực hiện công tác nhân đạo đầy ý nghĩa.
Lực lượng dân quân thường trực TP.Biên Hòa cùng lãnh đạo, người lao động Hội Chữ thập đỏ tỉnh, TP.Biên Hòa tham gia bốc xếp hàng hóa chuyển đi cứu trợ
các tỉnh miền Trung
Đến nơi người dân cần
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện cho biết, theo kế hoạch từ nay đến quý I-2021, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 5 đoàn cứu trợ đến các tỉnh miền Trung. Mỗi đoàn đi phải đảm bảo an toàn cho các thành viên, hiệu quả trong công tác trao quà hỗ trợ vì đây là sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Mỗi chuyến đi của đoàn cứu trợ Đồng Nai kéo dài 10 ngày. Để tham gia vào đoàn trao quà, mỗi thành viên phải sắp xếp thời gian, công việc và nhất là chịu nhiều vất vả bởi bão lũ đã làm các tỉnh mà đoàn cứu trợ đi qua chịu nhiều thiệt hại nên việc di chuyển, ăn uống, sinh hoạt gặp khó khăn.
Anh Nguyễn Viết Huy Hoàng cho hay, anh vừa nhận công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh từ tháng 10. Từ thời điểm đó đến nay ngày nào anh cũng tham gia khuân vác, sắp xếp hàng hóa do mạnh thường quân đem đến tặng và chất lên xe chuyển đi cứu trợ. Từ ngày 29-10 đến 10-11, anh cùng đoàn cứu trợ của tỉnh đi trao tặng quà hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Trước khi lên đường, bản thân anh đã chuẩn bị tâm lý với những bất tiện sẽ xảy ra bởi đây không phải là một chuyến giao lưu, khám phá với đầy đủ tiện nghi đang chờ ở nơi đến mà là đến nơi thiếu thốn mọi bề để dốc sức làm điều ý nghĩa dành cho bà con miền Trung.
Để có những đòn bánh tét, bánh chưng gửi đến đồng bào miền Trung, nhiều cá nhân ở khắp các địa phương trong tỉnh không chỉ dùng nhà mình làm nơi tập trung nấu bánh mà còn nhận chuyển bánh đi các nơi. Bà Võ Thị Hồng (ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) cho hay, bà cùng các con tự nguyện thức canh nấu bánh tét 2 ngày liên tiếp. Mỗi ngày sau khi bánh chín, bà sử dụng xe tải của gia đình để chuyển bánh ra Quốc lộ 1 chờ xe khách đi miền Trung để chuyển bánh đến đầu mối ở Huế phân phối bánh cho bà con. Mới đây, do bánh nấu nhiều và tránh việc bánh để lâu sẽ hư, ngay sau khi bánh chín bà đã tạm gác chuyện buôn bán 1 tuần để trực tiếp theo xe đưa bánh ra Huế trao tận tay người dân.
Người ở lại chung sức làm hậu cần
Để những chuyến hàng cứu trợ đến với người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt chu đáo, đúng với nhu cầu của bà con thì việc sắp xếp, chọn lựa, đóng gói quần áo, giày dép, thực phẩm... đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của những người tham gia đảm nhận công tác hậu cần. Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho hay, để người dân vùng lũ không phải dùng quần áo quá cũ, bị rách, việc kiểm tra, lựa chọn lại đồ từ thiện khá quan trọng. Phải mất nhiều ngày và nhiều người tham gia làm liên tục từ giữa tháng 10 đến nay mới có thể hoàn thành việc phân loại quần áo do người dân ủng hộ trước khi chuyển đến bà con miền Trung.
Ngoài ra, từ thời điểm đầu tháng 10 đến nay, ngay sau khi UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi các tầng lớp nhân dân chung tay đóng góp hỗ trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ khắc phục khó khăn, xây dựng lại cuộc sống, công việc của hội chữ thập đỏ, lực lượng dân quân thường trực trong tỉnh, tổ chức đoàn thanh niên... trở nên bận rộn hơn hẳn.
Đã 5 ngày liên tục, anh Lê Mai Nam, Trung đội trưởng dân quân thường trực Thành đội TP.Biên Hòa cùng hơn 10 dân quân thường trực khác và cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, TP.Biên Hòa túc trực tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Công việc của mỗi người bắt đầu từ 7 giờ sáng. Sau khi những thùng hàng là mì gói, quần áo, áo phao, nước suối, bánh kẹo... do người dân đem đến ủng hộ sẽ được lực lượng này khuân vác vào kho. Có ngày hàng hóa tiếp nhận nhiều, anh Nam và các bạn khuân vác đến gần 20 giờ mới về đơn vị. Có những ngày phải bốc hàng hóa lên 3 xe tải có tải trọng từ 10-16 tấn để kịp phục vụ đoàn cứu trợ từ Đồng Nai đi các tỉnh miền Trung ngay trong ngày. Để kịp tiến độ, mỗi người đều gắng sức làm từ 7-22 giờ mới hoàn thành. Việc ăn ngủ đều diễn ra ngay tại kho hàng, ai cũng mệt nhưng đều rất vui vì mình đã làm việc có ích cho xã hội.
Tương tự, thời gian qua tại trụ sở hội chữ thập đỏ các huyện, thành phố - nơi tiếp nhận tiền, hàng của cá nhân, cơ quan, đơn vị đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Trung, không khí làm việc cũng rất khẩn trương và rộn ràng.
Nguyễn Vân