Doanh nghiệp với bài toán định vị lại mô hình kinh doanh

Thứ ba - 21/11/2023 09:00
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Kinh tế khó khăn, nhu cầu thị trường suy giảm và việc tiếp cận các nguồn vốn gặp rất nhiều rào cản đang buộc các doanh nghiệp (DN) hiện nay phải thận trọng hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Đối với các DN, việc tái cấu trúc phù hợp với xu hướng thị trường là câu chuyện trọng tâm. Trong ảnh, DN ngành cơ khí, chế tạo ở H. Long Thành
Đối với các DN, việc tái cấu trúc phù hợp với xu hướng thị trường là câu chuyện trọng tâm. Trong ảnh, DN ngành cơ khí, chế tạo ở H. Long Thành

Cải biến mô hình kinh doanh thích ứng với sự biến đổi thị trường

Theo ông Đặng Quốc Nghi, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rồng Nam Việt (TP.Biên Hòa), trong điều kiện kinh tế biến động, nhiều bất ổn và nguy cơ suy thoái, các doanh nghiệp thường phản ứng và đối phó bằng nhiều giải pháp khác nhau, có những DN đóng băng việc tuyển dụng nhằm cắt giảm ngân sách, tuy nhiên trong giai đoạn này, nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định đến việc sống còn. “Là lãnh đạo DN, chúng ta nên chuẩn bị kỹ năng quản lý cần thiết nhằm truyền đạt cho đội ngũ nhân sự để cùng nhau giữ vững vị thế DN của mình trong giai đoạn khó khăn này”, ông Nghi nhận định.

Tương tự, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành thì trong quản trị DN, điều quan trọng là làm sao cho tất cả người lao động, thành viên được tham gia vào quá trình thay đổi của DN.

Cũng theo ông Mai Hữu Tín, trong lĩnh vực sản xuất gỗ của Việt Nam đang có rất nhiều triển vọng nhưng cũng đứng trước các thử thách phải thay đổi mang tính sống còn. Hiện nay, đa phần nghề gỗ đang là gia công, sự sáng tạo trong khâu sản xuất chưa cao. Do đó, không chỉ ngành gỗ mà các ngành khác cũng phải có sự thay đổi để phù hợp xu thế chung. Tuy nhiên việc thay đổi diễn ra liên tục là một phần của kế hoạch, kế hoạch là phải có chỗ để thay đổi phù hợp với hiện trạng mới, đi từng bước để tới thành công. Đó cũng là một trong những nguyên do mà ông và nhiều DN lớn trong ngành gỗ của Việt Nam đang xúc tiến để có thể hợp sức đầu tư một trung tâm lớn về sản xuất ở Đồng Nai. Đây sẽ là dự án đi theo hướng sáng tạo và xây dựng thành hệ sinh thái chung, tạo sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế cho gỗ Việt.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm ngày 27-10 mới đây cùng các doanh nhân trẻ Đồng Nai, TS.Diệp Gia Hoàng cho rằng đang có sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, do đó DN cần hiểu, biết và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng, tìm kiếm nguồn vốn bằng chiến lược thông minh hơn. Cần cải tiến mô hình kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa vận hành và thay đổi phương thức hoạch định, quản trị phù hợp xu thế của xã hội. Đây cũng là bài học thành công mà các tập đoàn lớn ở trong nước, trên thế giới thường xuyên triển khai, áp dụng.

Nhà nước tạo cơ chế để doanh nghiệp “đổi mới”

Tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp năm 2023 vừa tổ chức, các chuyên gia, doanh nhân đã kiến nghị các chính sách thúc đẩy phát triển trong giai đoạn tới. Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công thì ngoài các vấn đề cấp bách như giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất, thị trường tiêu thụ…thì trung và dài hạn, các DN mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định.

Theo ông Công, Nhà nước quan tâm hơn trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, giúp DN Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết các FTA. Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam….

Theo các DN, họ sẽ phải tìm cách tự cứu DN trước tiên, nhưng trong bối cảnh thách thức lớn, dị biệt như hiện tại, thì sự rõ ràng, minh bạch, dễ tiên liệu và có thể xử lý nhanh theo bối cảnh của cơ chế, chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng DN. Những dự báo bất định về kinh tế thế giới, các xáo trộn xảy ra với tần suất nhiều hơn và không theo các chu kỳ, quy luật nên DN không chỉ cần các bộ, ngành, địa phương giải quyết các bất cập do quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, mà còn cần thực hiện với tốc độ nhanh hơn, với tư duy phù hợp với bối cảnh mới.

“Làm sản xuất, quy mô còn nhỏ, để vượt khó khăn, chúng tôi mong muốn việc tham gia vào thị trường được hỗ trợ từ chính sách sao cho thật đơn giản. Đồng thời cũng để DN thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp lại mô hình kinh doanh bắt kịp với tốc độ công nghệ, của thị trường”, đại diện một DN ngành cơ khí, chế tạo ở H.Long Thành bày tỏ.

Tác giả: Bảo Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây