(CTT-Đồng Nai)- Những tháng đầu năm, kinh tế vận tải cả nước cũng như Đồng Nai tiếp tục hồi phục với các chỉ số đều tăng trưởng. Tuy nhiên, đối mặt với nhiều áp lực, các doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn tỏ ra không mấy lạc quan khi tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Sự phục hồi của ngành vận tải, nhất là vận tải hàng hóa phụ thuộc vào tốc độ phục hồi, tăng trưởng của sản xuất, kinh doanh. (ảnh minh họa)
Sự phục hồi của ngành vận tải, nhất là vận tải hàng hóa phụ thuộc vào tốc độ phục hồi, tăng trưởng của sản xuất, kinh doanh. (ảnh minh họa)
Sản xuất, xuất khẩu chậm lại kéo theo nhu cầu vận tải thu hẹp, cùng với đó là chi phí cao đang khiến cho các DN ngành vận tải cảm thấy mong manh.
Tiếp tục hồi phục
Theo đánh giá của Bộ GTVT, sau một thời gian bị tê liệt vì đại dịch Covid-19, hoạt động vận tải cả nước đã và đang có sự phục hồi trong những tháng đầu năm 2023. Điều này được thể hiện qua những dấu hiệu tích cực từ cuối 2022.
Nhìn chung, ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt, đường biển cũng đều có sự hồi phục và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, riêng lĩnh vực hàng không, Việt Nam được xếp vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Tăng trưởng vận tải là tín hiệu tốt song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lực kéo của thị trường nội địa có hạn, trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chững lại sẽ khiến cho tổng quan thị trường đứng trước sự mong manh. Việc nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm sút do lo ngại khủng hoảng kinh tế và lạm phát ở mức cao khiến nhu cầu nhập khẩu của các nhà bán lẻ giảm sút. Điều này kéo theo giá cước vận tải quốc tế tiếp tục giảm sâu trong đầu năm 2023. Những biến động đó đòi hỏi các DN phải chủ động tìm cách thích ứng, nhất là tái cơ cấu lại lĩnh vực vận chuyển, cung đường hoạt động và áp dụng các công nghệ vào quản trị nhằm phù hợp sự biến động của thị trường,
Vẫn đối mặt nhiều khó khăn
Là DN chuyên chở hàng container đường dài Bắc Nam, hiện nay Công ty TNHH Nguyễn Vũ Hoàng (TP.Biên Hòa) cũng đang phải tính toán lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Theo bà Vũ Thị Vân Anh, Giám đốc công ty thì hơn 2 năm nay, ngành vận tải container bị ảnh hưởng do kinh tế toàn cầu suy thoái, lợi nhuận, khách hàng, thị trường, công ăn việc làm của người lao động đều bị tác động. DN chuyên chạy hàng đường dài nhưng càng chạy nhiều càng lỗ buộc phải chuyển hướng một phần, nỗ lực kết nối, tìm kiếm khách hàng ở cự ly ngắn hơn nhưng vẫn rất khó khăn.
Tương tự, theo ông Hà Ngọc Dũng, đại diện Công ty CP Thông quan Việt Đức, DN chuyên cung ứng dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ logistics ở Đồng Nai và vùng lân cận thì công việc kinh doanh đang gặp khó khăn bởi giá xăng dầu cùng các chi phí phát sinh khác.
Theo ông Dũng, công việc của DN vẫn nhiều nhưng lợi nhuận không ít, thậm chí là âm, bởi mỗi phương tiện trước đây chi phí nhiên liệu chỉ hơn một nửa so với hiện nay. Trong khi đó, nếu so với trước, giá cước vận tải thu của khách hàng không thay đổi nhiều.
Ngoài việc thiếu dòng vốn quay vòng và khó khăn về thị trường, đối tác thì một trong những vấn đề khiến các DN bức xúc hiện nay là việc ách tắc trong khâu đăng kiểm phương tiện. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm vẫn diễn ra phổ biến gây khó khăn cho DN vận tải. Đặc biệt, gần đây tình trạng đăng ký lịch hẹn gây khó khăn cho DN chưa được tháo gỡ. Nhiều DN chủ động trước khi hết hạn theo sổ kiểm định 15 - 30 ngày đã đi đăng ký lịch đăng kiểm lại, tuy nhiên được hẹn gần 1 tháng sau. “Thời gian chờ đăng kiểm lâu ảnh hưởng đến hoạt động của DN và cả các tài xế, gây nên sự bức xúc cho nhiều người, rất mong có giải pháp để tháo gỡ sớm nhất có thể”, chủ một DN ở Trảng Bom chia sẻ.