(CTT-Đồng Nai) - Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) cần sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, chương trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ… để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động sản xuất của một DN sản xuất sản phẩm gỗ ở TP.Biên Hòa
Hoạt động sản xuất của một DN sản xuất sản phẩm gỗ ở TP.Biên Hòa
Hiện nay, khi thị trường có nhiều biến động, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều DN đang phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Do đó, nhiều DN, hội/hiệp hội đã kiến nghị ngành ngân hàng cần đưa ra nhiều giải pháp về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động, thanh toán ngắn hạn cho các DN; tiếp tục nghiên cứu, có thêm chính sách để hỗ trợ DN trong việc hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ đối với những khách hàng, DN gặp khó khăn…
Ông V., đại diện một DN về gỗ ở tỉnh Bình Dương chia sẻ, việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ DN vẫn cần thêm cầu nối giữa ngân hàng và DN. Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các DN sản xuất nói chung và nhiều DN ngành gỗ nói riêng mong muốn ngành ngân hàng có thêm những chính sách, chương trình để hỗ trợ, đồng hành với DN vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhất là các gói hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn, cơ cấu lại thời gian trả nợ… góp phần giúp các DN có thể đảm bảo duy trì sản xuất và các chế độ an sinh dành cho người lao động, từ đó từng bước phục hồi, vượt qua giai đoạn này.
Nhiều ý kiến của DN cho rằng cần có các phương án tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động, thanh toán ngắn hạn cho các DN; các cơ chế, chính sách về giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ. Đối với các khoản vay mới, nhiều ý kiến đề nghị các ngân hàng nghiên cứu các điều kiện phù hợp như: định giá tài sản thế chấp, tỷ lệ giải ngân/tài sản, thẩm định phương án kinh doanh… để các DN có thể sớm tiếp cận nguồn vốn vay để duy trì, phục hồi sản xuất.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long chia sẻ, nhiều DN mong muốn được tiếp cận các chương trình hỗ trợ lãi suất vay để có thêm vốn phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, nhiều DN chờ đợi các ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, đặc biệt là đối với những ngành, lĩnh vực được hỗ trợ, ưu tiên; chương trình hỗ trợ lãi suất 2%…