Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Lương Gia đã đầu tư 2 nhà máy chế biến trái cây ở TP.Long Khánh và H.Nhơn Trạch. Đây là đã doanh nghiệp (DN) hàng đầu về lĩnh vực bảo quản, chế biến trái cây sấy dẻo và các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Chế biến trái cây
tươi tại nhà máy của Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Lương Gia tại TP.Long
Khánh. Ảnh: Phan Anh
Sản phẩm của DN đã có mặt ở các hệ thống siêu thị lớn trong và ngoài nước, đáp ứng được những thị trường khó tính nhất như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga hay thị trường đặc thù Trung Đông…
Đồng hành với nông dân
Ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Lương Gia chia sẻ: “Giai đoạn dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của DN cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận rủi ro tăng cường thu mua nông sản, trái cây tươi đưa vào chế biến với mong muốn góp phần gỡ bớt khó khăn cho nông dân”. Cụ thể, giai đoạn xã hội thực hiện giãn cách, trong tháng 4 năm 2020, khi nông dân trồng xoài Đồng Nai gặp khó về đầu ra do thị trường xuất khẩu bị đình đốn vì dịch Covid-19, 750 công nhân tại 2 nhà máy chế biến của DN đã tăng ca làm việc để đưa hoạt động của nhà máy vượt công suất từ 80 tấn/ngày lên 100 tấn/ngày. Giai đoạn đó, DN đã thu mua hơn 10 ngàn tấn xoài, góp phần giải cứu xoài cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Hiện DN vẫn tiếp tục tăng công suất chế biến để thu mua được nhiều nhất trái cây tươi của nông dân đang gặp khó về đầu ra.
Theo ông Thái, để trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho DN, nông dân chỉ cần điều chỉnh một chút chứ không cần thay đổi cả quy trình trồng trọt. Việc điều chỉnh về quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất cũng không quá nhiều khó khăn vì có đội ngũ các nhà khoa học cũng như DN cũng sẵn sàng đồng hành cùng nông dân. Điều quan trọng nhất là sự thay đổi về thái độ trong cách làm việc, hợp tác.
Ông Thái dẫn chứng, trong các loại trái cây thì giá của trái mít thường lên xuống rất thất thường, có thời điểm giá mít tươi lên 30-40 ngàn đồng/kg, DN phải tạm ngưng chế biến mặt hàng này vì mức giá quá cao. Tuy nhiên, giai đoạn dịch bệnh vừa qua, giá mít rớt rất thấp đến mức người nông dân mất lợi nhuận, thậm chí mất cả chi phí phân, thuốc. DN rất quan tâm tìm ra giải pháp có thể hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất và điều DN mong muốn là mua được nguyên liệu chế biến với giá ổn từ đầu mùa đến cuối mùa với mức giá hợp lý cho cả người mua và người bán chứ không mong đợi đến thời điểm trái cây tươi rớt giá. Nông dân cũng phải thay đổi nhận thức, hướng đến sự hợp tác lâu dài chứ không nên chạy theo giá cả thị trường.
Theo ông Thái: “Để giải bài toán trên còn rất cần sự tham gia của 4 nhà: DN, nông dân, nhà khoa học và Nhà nước. Trong đó, vai trò của nhà quản lý rất quan trọng trong việc cùng tham gia, hỗ trợ cho DN và người nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên cho chế biến”.
Lãnh đạo của tỉnh tham
quan nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Lương Gia tại
TP.Long Khánh. Ảnh: Phan Anh
Cơ hội lớn cho ngành chế biến
Gốc ở tỉnh Khánh Hòa nhưng ông Thái chọn về Đồng Nai đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản. Ông Thái đánh giá, vị trí địa lý của Đồng Nai cực kỳ thuận lợi cho DN đầu tư vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt vùng đất Long Khánh là điểm giao thương rất tốt, có các tuyến đường cao tốc kết nối từ miền Tây về và kết nối với các tình miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên…
Ngoài ra, chính sách và môi trường đầu tư cũng là điều giữ chân DN gắn bó. Giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, DN vẫn ổn định sản xuất nhờ nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của chính quyền tỉnh, địa phương cũng như các sở, ngành liên quan của Đồng Nai trong việc tổ chức làm việc “3 tại chỗ”, hỗ trợ cho đội ngũ lao động sớm được tiêm vaccine ngừa Covid-19… Điều này càng khẳng định thêm quyết tâm của DN trong việc đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu tại địa phương này trong thời gian tới.
Đánh giá về sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam, ông Thái cho rằng, sản phẩm của công ty chủ yếu là các mặt hàng trái cây nhiệt đới sấy từ các loại trái cây tươi ngon, sẵn có tại Việt Nam như xoài, đu đủ, thanh long, ổi, thơm, chanh dây… Trái cây của Việt Nam rất ngon, đa dạng, mỗi vùng miền có đặc thù riêng. Ngay cả thị trường khó tính là các nước châu Âu, họ cũng đánh giá cao sản phẩm trái cây chế biến của Việt Nam, nhất là dòng sản phẩm không áp dụng công nghệ biến đổi gen.
Sản phẩm của DN đang tiêu thụ tốt tại các hệ thống, siêu thị lớn trong nước như Lotte, Vinmart, Co.opmart, Aeon, Big C… DN cũng đã xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới, nhất là đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các hệ thống siêu thị lớn của quốc tế như Costco, Walmart,… Tiếp cận tốt thì trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính là do DN đã xây dựng được quy trình sản xuất theo chuỗi khép kín, đảm bảo từ nguồn nguyên liệu đầu vào và chế biến với công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do hiệp hội bán lẻ Anh Quốc công bố; cũng đạt được những tiêu chí về an toàn lao động và trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. DN cũng không ngừng cải tiến, sáng tạo thêm nhiều dòng sản phẩm mới theo xu hướng tiêu dùng của thế giới hiện nay từ nguồn trái cây trong nước.
Khát vọng của người chủ DN này là góp phần tạo ra một số giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, giúp người nông dân đưa được sản phẩm trái cây của Việt Nam ra thế giới và từng bước có thương hiệu trên thị trường toàn cầu. Các đối tác của DN là nhà phân phối trên thế giới hiểu và biết nhiều hơn về sản phẩm trái cây chế biến của Việt Nam.
Phan Anh
Hiện Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Lương Gia đang sản xuất với sản lượng xuất khẩu khoảng 300 tấn/tháng. Dự kiến trong năm 2022, DN sẽ đầu tư xây dựng nhà máy mới với quy mô công suất tăng lên gấp nhiều lần, tập trung phát triển dòng trái cây nhiệt đới thanh trùng, với công nghệ HPP nhằm giữ được hương vị tươi ngon đặc trưng của từng loại trái cây.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập