Thời gian qua, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) và các chi nhánh vẫn tận tình hỗ trợ pháp lý miễn phí cho hàng trăm trường hợp yếu thế thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em…
Trợ giúp viên Lê Minh
Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (đứng) bảo vệ tại
TAND tỉnh cho một trẻ em ở H.Vĩnh Cửu bị bố dượng xâm hại tình dục
* Không để người yếu thế đơn độc
Trong thời gian về TP.Biên Hòa lái xe thuê cho bà H.T.T. (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), vào ngày 20-6-2020, anh L. (dân tộc Kh’mer, ngụ tỉnh Sóc Trăng) gây tai nạn cho em N.V.T.A. (13 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) với thương tật tỷ lệ 79%. Sau đó, L. bị Viện KSND TP.Biên Hòa truy tố theo Điểm b, Khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Viện kiểm sát còn đề nghị tòa án buộc L. liên đới cùng chủ xe T. bồi thường trách nhiệm dân sự cho em A. tổng chi phí trên 600 triệu đồng.
Mặc dù L. thường trú tại tỉnh Sóc Trăng nhưng vì thuộc đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, địa điểm phạm tội tại TP.Biên Hòa nên Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh vẫn cử trợ giúp viên bảo vệ cho L. trong quá trình tố tụng theo đúng quy định của Luật TGPL năm 2017. Nhờ vậy, trong quá trình xét xử hình sự sơ thẩm vào tháng 12-2021, L. chỉ bị TAND TP.Biên Hòa tuyên phạt 18 tháng tù, không phải liên đới với chủ xe chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho nạn nhân.
Kết thúc phiên xét xử, bị cáo L. bày tỏ, nhờ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đồng hành với bị cáo trong suốt quá trình tố tụng, nhất là đưa các tình tiết, chứng cứ thuyết phục mà Hội đồng xét xử đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với tội danh của bị cáo và không buộc bị cáo liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cùng chủ xe.
Không chỉ riêng bị cáo L., trong năm 2021, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và các chi nhánh đã nhận TGPL miễn phí cho 341 trường hợp. Trong đó, thụ lý hoàn thành được 281 vụ việc với 143 trường hợp người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, 80 trường hợp là trẻ em, 12 trường hợp người có công với cách mạng, 9 trường hợp hộ nghèo…
Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho biết, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên số vụ việc thụ lý hoàn thành của từng trợ giúp viên phụ thuộc vào tiến độ xét xử của các cấp tòa. Tuy nhiên, 16/16 trợ giúp viên của trung tâm và các chi nhánh vẫn hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng theo quy định của Cục TGPL (Bộ Tư pháp). Các vụ việc đều được Cục TGPL đánh giá đạt chất lượng tốt, khá.
* Tận tâm và chất lượng trợ giúp
Luật TGPL năm 2017 quy định, nhóm đối tượng được hưởng chính sách TGPL miễn phí gồm: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người có khó khăn về tài chính (người nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi, người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực gia đình…).
Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Lê Minh Tuấn cho hay, các đối tượng trên không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác khi được TGPL. Người được hưởng chính sách TGPL miễn phí tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL.
Cũng theo ông Lê Minh Tuấn, nhờ làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan tố tụng, nơi tạm giam, tạm giữ, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể… nên ngày càng có nhiều người thuộc diện được hưởng TGPL miễn phí tìm tới trung tâm và các chi nhánh để yêu cầu TGPL. Nhờ vậy, nhiều vụ việc được TGPL kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Để thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2022 và những năm tiếp theo, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh sẽ chủ động và kịp thời tham mưu cho Sở Tư pháp trong công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng để đẩy mạnh hoạt động TGPL đến đúng đối tượng theo quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên, ghi nhận ý kiến phản hồi của người được TGPL trong suốt quá trình cử trợ giúp viên tham gia trợ giúp. Nhất là phải xây dựng đội ngũ trợ giúp viên giỏi nghiệp vụ, kinh nghiệm tố tụng, trách nhiệm với công tác và hướng về cơ sở, tạo niềm tin của người dân về hoạt động TGPL miễn phí trên quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ cũng như sự hài lòng của người được TGPL.
Nhân Thái
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh hiện có 16 trợ giúp viên (kinh nghiệm từ 5 năm trở lên) và 5 chi nhánh (Vĩnh Cửu - Trảng Bom, Tân Phú - Định Quán, Xuân Lộc - Cẩm Mỹ, Long Khánh - Thống Nhất, Long Thành - Nhơn Trạch). Bên cạnh đó, trung tâm còn đặt 2 điểm tại TAND TP.Long Khánh và TAND H.Trảng Bom để tiếp nhận yêu cầu TGPL cho người có nhu cầu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập