Doanh nghiệp cần khám sức khỏe theo quy định cho người lao động

Thứ sáu - 07/05/2021 10:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ) là giúp phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, có hướng điều trị hợp lý, tránh những hậu quả đáng tiếc  cũng như tính mạng của NLĐ. Tuy nhiên hiện nay, số công nhân lao động được khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp hằng năm còn khá khiêm tốn.
d72177c85cbda9e3f0ac.jpg
Công nhân lao động Công ty TNHH Pousung Việt Nam tập thể dục giữa giờ
NLĐ vẫn mắc nhiều bệnh nghề nghiệp
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn An Linh chia sẻ, đời sống của đa số NLĐ làm việc trong DN còn nhiều khó khăn. Do đó, nhiều NLĐ lựa chọn làm việc ca đêm hoặc tăng ca để có thêm một khoản thu nhập nhằm trang trải cuộc sống. Thế nhưng, làm việc vào ban đêm trái ngược với nhịp sinh học dễ gây ra căng thẳng, mệt mỏi khiến NLĐ nhiều khi thao tác sai, làm việc không hiệu quả hoặc dễ xảy ra các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Do đó, để phòng những rủi ro đáng tiếc và tác hại của bệnh nghề nghiệp, DN cần tuân thủ nội quy về an toàn lao động, trang bị và hướng dẫn NLĐ sử dụng đồ bảo hộ lao động đúng cách. Ngoài ra, DN cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý giữa ca cho NLĐ…
Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2018, các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động cho hơn 1,6 ngàn cơ sở lao động; thực hiện quan trắc môi trường lao động tại 368 cơ sở; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 74,7 ngàn NLĐ tại 226 DN; khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 22,5 ngàn người tại 78 DN; tập huấn sơ cấp cứu - phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho hơn 7,1 ngàn người tại 168 DN. Qua hội chẩn, giám định bệnh nghề nghiệp, đã phát hiện 25 người bị điếc nghề nghiệp, 6 người bị viêm gan siêu vi B và 1 người bị bệnh lao nghề nghiệp.
Đến năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã khám sức khỏe định kỳ cho gần 39 ngàn NLĐ của 66 DN và khám bệnh nghề nghiệp cho hơn 19,2 ngàn NLĐ tại 76 DN. Qua đó, đã phát hiện 20 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp. Những người này sau đó được đưa đi giám định sức khỏe để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, chủ yếu liên quan đến bệnh điếc, viêm phế quản, bụi phổi…
Năm 2020, có hơn 15 ngàn NLĐ của 47 DN được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám bệnh nghề nghiệp và hơn 18,6 ngàn NLĐ của 39 DN được khám sức khỏe định kỳ.
Đại diện Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa cho biết, trong năm 2020, trên địa bàn khu công nghiệp có 209 trường hợp được phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp. Dù 100% NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp được điều trị, chăm sóc và được hưởng đầy đủ các chế độ với tổng số tiền khoảng 328 triệu đồng nhưng những hậu quả mà các bệnh nghề nghiệp gây ra đối với sức khỏe, tinh thần, năng suất làm việc của NLĐ thì không đo đếm được. Qua kiểm tra thực tế, vẫn còn một số DN không thực hiện việc đo kiểm môi trường lao động hoặc có đo nhưng chỉ làm cho có lệ. Từ đó, dẫn đến môi trường làm việc của NLĐ không đảm bảo, NLĐ dễ mắc các bệnh nghề nghiệp.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Theo Sở LĐ-TBXH, trong năm 2020, Sở đã tiếp nhận khai báo sử dụng hơn 2,2 ngàn máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động của 218 DN. Kiểm tra và hướng dẫn 72 DN đăng ký nội quy lao động. Ngoài ra, Sở đã thực hiện 20 cuộc thanh tra chuyên đề an toàn vệ sinh lao động đối với 20 công trình xây dựng và 14 cuộc thanh tra về chấp hành các quy định của pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp tại 14 DN; tổ chức hướng dẫn việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động và an toàn vệ sinh lao động tại 30 DN khác.
 Qua thanh, kiểm tra cho thấy, ngoài một số đơn vị, DN thực hiện tốt vẫn còn có những DN chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Đặc biệt ở những ngành nghề mang tính chất nặng nhọc, độc hại.
Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu cho rằng, để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động trong DN, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đổi mới các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật và huấn luyện kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động cho chủ DN và NLĐ; mở rộng triển khai áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tại các DN vừa và nhỏ có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ huấn luyện cho người làm công tác an toàn vệ sinh lao động của các DN, cho NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động và công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Phong Lan-Bảo Ngọc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây