Cách đây 67 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch (Nguồn: Internet)
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã đập tan những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, chấm dứt ách thông trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trận quyết chiến chiến lược
Sau khi thất bại năm 1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh đã quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, dân tộc Việt Nam chính thức bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Với âm mưu tiêu diệt Chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, giành lại quyền thống trị trên toàn Đông Dương, thực dân Pháp sau khi nổ súng xâm lược đã mở các cuộc tiến công nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá hoại kho tàng, xưởng máy, bao vây và khóa chặt biên giới, cố giành một thẳng lợi về quân sự để tập hợp lực lượng phản động lập chính phủ bù nhìn tay sai và hy vọng kết thúc chiến tranh. Mặc dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự đến mức cao nhưng sau 8 năm trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp vẫn không đạt được âm mưu. Trái lại, chúng phải hứng chịu những tổn thất nặng nề, thiệt hại hàng trăm ngàn quân, vùng chiếm đóng bị thu hẹp… Để cứu vãn tình thế, năm 1953, thực dân Pháp cho ra đời kế hoạch quân sự mới ở Đông Dương với hy vọng sớm giành thắng lợi, tìm “lối thoát danh dự”, chấm dứt cuộc chiến tranh.
Trước động thái của địch, ta quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng của địch, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương, đẩy chúng vào tình thế bị động chiến lược. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ - cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào.
Nhận thấy Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng điểm yếu là địch bị cô lập, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước tập trung lực lượng hướng về Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định đúng đắn nhưng ta gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm, không ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Quyết định thắng lợi trên mặt trận ngoại giao
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi đã xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi.
Cùng với cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953-1954, Đảng, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mở cuộc tấn công trên mặt trận ngoại giao. Trong thời gian quân và dân ta đang tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ thì Hội nghị Giơnevơ bắt đầu được khai mạc. Tuy nhiên, ban đầu hội nghị không bàn ngay về vấn đề Đông Dương và dự định bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, ngày 7-5-1954, tin thực dân Pháp thất bại ở chiến trường Điện Biên Phủ gửi đến hội nghị, ngay lập tức, ngày 8-5, vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự
Tham dự hội nghị có đại diện 9 nước: Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Pháp, Mỹ, đại diện chính quyền Bảo Đại, Anh, Campuchia và Lào. Với tư thế đại diện cho một dân tộc vừa mới tạo nên chiến công Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tuyên bố lập trường của Chỉnh phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương phải là một giải pháp toàn bộ về chính trị, quân sự cho cả Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của từng nước ở Đông Dương. Những đề nghị của đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị hợp tình, hợp lý nên được dư luận tiến bộ trên thế giới mà nhất là nước Pháp đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, do đối sánh của các lực lượng nên cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở hội nghị diễn ra gay go phức tạp. Âm mưu của Mỹ là kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, thay chân Pháp xâm lược Đông Dương; đại biểu của Anh thì chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh…
Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21-7-1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia mới lần lượt được ký kết. Hiệp định Giơnevơ đã được đại diện các nước dự hội nghị chấp thuận cam kết chính thức. Riêng đại diện Mỹ đã ra tuyên bố riêng thừa nhận tôn trọng hiệp định.
Hiệp định Giơnevơ có 13 điều. Ngoài việc xác nhận những văn bản hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia và về tổ chức kiểm soát quốc tế; Hiệp định Giơnevơ cũng đã đưa ra những điều cấm. Đó là cấm việc đem quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài vào các nước Đông Dương; cấm việc đặt căn cứ quân sự nước ngoài ở Đông Dương và việc các nước Đông Dương tham gia các liên minh quân sự với nước ngoài. Trong Hiệp định Giơnevơ cũng khẳng định và cam kết nhiều nội dung, trong đó có việc khẳng định các bên tham gia hội nghị thừa nhận nguyên tắc độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…; cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương…
Với Hiệp định Giơnevơ, Pháp buộc phải rút hết quân về nước, chấm dứt chiến tranh xâm lược và ách thống trị gần một thế kỷ trên đất nước ta, làm đế quốc Mỹ thất bại âm mưu kéo dài mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương.
Khánh Ngân