Di tích khảo cổ Gò Me, H.Nhơn Trạch được xếp hạng cấp tỉnh

Thứ hai - 20/02/2023 08:29
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 129/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2023 đối với di tích khảo cổ Gò Me, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch.

Bảng hướng dẫn lối vào di tích khảo cổ Gò Me, ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch
Bảng hướng dẫn lối vào di tích khảo cổ Gò Me, ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch

Theo đó, UBND tỉnh nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trong trường hợp đặc biệt, sử dụng đất đai ở các di tích phải được phép của Chủ tịch UBND tỉnh. UBND H.Nhơn Trạch thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với di tích nói trên theo Luật Di sản văn hóa. Sở VH-TTDL có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, đề ra phương án tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử của di tích.

Trước đó, tháng 8-2004, các nhà khảo cổ đã phát hiện 2 di cốt cổ trong di chỉ Gò Me thuộc ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch. Đây là lần đầu tiên phát hiện di cốt gồm 2 cá thể còn khá nguyên vẹn trong di chỉ khảo cổ. Hai di cốt được an táng trong hai mộ khác nhau, phát hiện trong hố khai quật, nằm cách nhau 3 mét, đầu quay ngược chiều nhau. Bên cạnh các di cốt phát hiện một chiếc rìu đồng, một vòng tay bằng đồng và 3 hạt chuỗi. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhân chủng học cho rằng di cốt là của hai người đàn ông: một người đàn ông độ tuổi từ 25 đến 30 tuổi, một là thanh niên khoảng 17 tuổi.

Các kết quả nghiên cứu được công bố, cả hai di cốt người cổ Gò Me, xã Vĩnh Thanh có đặc điểm hình thái người gần gũi với nhóm người thuộc loại hình nhân chủng Đông Nam Á trong nhân chủng cổ Đông Sơn. Loại hình nhân chủng này hay gọi chính xác là dạng Đông Nam Á, thuộc tiểu chủng Nam Mongoloit trong ngành Monggoloit mà những nét Mongoloit có phần nổi trội. Sọ thuộc loại ngắn hoặc dài trung bình, mặt rộng trung bình và ngắn, mũi rộng trung bình hoặc đôi khi hơi rộng. Hốc mũi không phát triển, xương mũi rộng và ngắn. Tầm vóc khoảng từ 1,58 m đến 1,64 m. Tuyệt đại bộ phận cư dân ở Đông Nam Á thuộc nhóm loại hình này mà tiêu biểu là các tộc: Tày, Thái, Việt, Lào, Myanmar, Khơme, Malaya, Tagan, Java…

Cùng với những di cốt được phát hiện ở vùng Rừng Sác - Cần Giờ (Giồng Cá Vồ, Giồng Cá Trăng, Giồng Phệt), di cốt người cổ được phát hiện tại di chỉ Gò Me, xã Vĩnh Thanh là những đại diện được xem là bản địa của cư dân thời kim khí trên vùng đất ngập mặn ven biển ở Đồng Nai nói riêng và phía ven biển ở Đông Nam bộ nói chung. Niên đại di chỉ Gò Me, Vĩnh Thanh được xác định khoảng 3.000 năm cách ngày nay.

Tác giả: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây