Để rừng mãi xanh...

Chủ nhật - 06/01/2019 21:39
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (KBT) vừa tổ chức hội nghị tổng kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); bảo vệ tài nguyên thủy sản vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An; giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội vùng giáp ranh năm 2018.​

Trong năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa lực lượng Kiểm lâm của KBT với chính quyền địa phương, các Hạt kiểm lâm và cơ quan chức năng vùng giáp ranh nên công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, bảo vệ hồ Trị An tiếp tục có nhiều chuyển biến tốt.

Nỗ lực bảo vệ rừng

Năm 2004, KBT được thành lập, có tổng diện tích quản lý, bảo vệ trên 100.000 ha (gần 68.000 ha rừng, đất lâm nghiệp và hơn 32.500 ha vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An). Đơn vị nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam, với các hệ sinh thái rừng đặc trưng của miền Đông Nam bộ, có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú; trong KBT còn có 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Ngày 29-6-2011, KBT và Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, là 1 trong 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới quan trọng của Việt Nam.

Nhiệm vụ trọng tâm của KBT là bảo tồn các nguồn gen động, thực vật và hệ sinh thái rừng cây tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Đồng Nai; phòng hộ hồ Trị An, bảo vệ môi trường nước; bảo tồn các loài thủy sinh, đặc biệt là một số loài cá quý, hiếm; hợp tác nghiên cứu khoa học; bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ; khai thác hợp lý, bền vững tài nguyên rừng, đất rừng và mặt nước hồ Trị An. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn và du lịch cộng đồng; phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động sản xuất, dịch vụ góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho nhân dân trong vùng đệm.


TS. Trần Văn Mùi (Giám đốc Khu bảo tồn) khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong năm 2018.

TS. Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm KBT cho biết, năm 2018, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, chính quyền và người dân địa phương, KBT tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng và vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An. Lực lượng kiểm lâm KBT thường xuyên tuần tra, truy quét trên toàn địa bàn, đặc biệt là các khu vực trọng điểm giáp ranh 2 tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Vườn quốc gia Cát Tiên. Tăng cường canh phục đêm vào những ngày tối trăng, các dịp lễ, Tết tại các điểm xung yếu nhằm ngăn chặn đối tượng săn bắn động vật rừng, ngăn chặn tình trạng sử dụng các thiết bị điện để đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An.

Trong năm, lực lượng kiểm lâm KBT đã tháo gỡ và phá bỏ tại rừng 3.322 sợi bẫy và bẫy các loại, 69 lồng bẫy sóc, 44 đú khô và đú nước, 14 chòi tạm... và yêu cầu 904 lượt người vào rừng trái phép ra khỏi rừng. Đồng thời, đơn vị tiến hành kiểm tra 10.267 lượt ghe ở hồ Trị An, phát hiện, xử lý 9 trường hợp vi phạm hợp đồng khai thác thủy sản; tháo gỡ 2 trường hợp đăng chắn eo ngách trái phép tại Ùng Suối 30 và Ùng Chùa; cho làm cam kết không tái phạm 161 trường hợp vi phạm hợp đồng khai thác thủy sản; tháo dỡ 396 đú dớn, 4.890m lưới dớn, 17 dàn lưới chài điện và dàn lưới chụp chà, 37 bộ máy xung điện... “Năm 2018, chúng tôi kiểm tra phát hiện 25 vụ, 36 đối tượng vi phạm về quản lý bảo vệ rừng và hoạt động thủy sản; trong đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 vụ, 26 đối tượng, với tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 65 triệu đồng. Số vụ, đối tượng còn lại cũng đã được lập hồ sơ chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định”, ông Hảo cho hay.

Cho rừng mãi thêm xanh

Ngoài tuần tra độc lập, lực lượng kiểm lâm KBT còn phối hợp liên ngành tổ chức nhiều đợt truy quét bảo vệ rừng, bảo vệ “kho báu” hồ Trị An. Cụ thể, phối hợp với các xã Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), các Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu, Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) tổ chức các đợt truy quét; qua đó ngăn chặn kịp thời các đối tượng lén lút vào rừng lấy măng, mây, cài đặt bẫy săn bắt động vật hoang dã trái phép. Phối hợp với Ban chỉ đạo kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng tỉnh (lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt) gọi hỏi, giáo dục, răn đe 41 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ rừng... 


Lực lượng Kiểm lâm KBT tổ chức tuần tra dài ngày trong rừng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được KBT chú trọng và mang lại nhiều kết quả tích cực. Đơn vị đã thành lập 10 Tổ cộng tác viên lâm nghiệp với 70 thành viên (là người dân tại các xã vùng giáp ranh) để cùng lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR; cung cấp thông tin thường xuyên cho Hạt kiểm lâm KBT về các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn giáp ranh KBT. Đến nay, KBT đã thành lập được 52 Câu lạc bộ xanh với 1.960 thành viên (40 Câu lạc bộ xanh trong các trường học với 1.600 thành viên và 12 Câu lạc bộ xanh ở cộng đồng dân cư với 360 thành viên). Dưới sự hướng dẫn, quản lý của KBT, đây được xem là những chiếc cầu nối quan trọng gắn liền chủ rừng với cộng đồng dân cư, nhờ đó mà các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho người dân ngày càng được nâng cao về cả chất lượng và số lượng. Mô hình được lãnh đạo tỉnh, kiểm lâm các tỉnh bạn đánh giá cao và cần được nhân rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đơn vị vẫn còn những khó khăn thử thách, như: địa bàn rộng và trải dài, giao thông đi lại khó khăn; cuộc sống người dân sống trong và ven KBT còn khó khăn, quen sống dựa vào tài nguyên rừng; một số người dân ý thức chưa cao nên tạo áp lực rất lớn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Đối tượng vi phạm đa phần là người cư trú ở giáp ranh các địa phương, lợi dụng địa bàn ranh giới dài, lén lút di chuyển qua lại để thực hiện hành vi vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Việc sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản trên hồ Trị An vẫn còn xảy ra do các đối tượng vi phạm luôn sử dụng nhiều phương pháp, thủ đoạn để tránh né sự kiểm tra của kiểm lâm và chính quyền địa phương, gây khó khăn đến công tác bảo vệ thủy sản và an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước tình hình trên, TS. Trần Văn Mùi, Giám đốc KBT chia sẻ, năm 2019, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phối hợp với chính quyền địa phương, các Hạt kiểm lâm và cơ quan chức năng vùng giáp ranh thực hiện tuần tra, truy quét để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ hồ Trị An. Lập danh sách các đối tượng có dấu hiệu vi phạm để cùng các cơ quan chức năng có biện pháp giáo dục, răn đe nhằm ngăn chặn kịp thời. Phối hợp với chính quyền địa phương, các Hạt kiểm lâm, Công an, Quân đội tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với hình thức phong phú, nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể và nhận thức của nhân dân; thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm động vật rừng, thực vật rừng; đẩy mạnh vận động quần chúng nhân dân giao nộp súng săn, bẫy thú...

Không để xảy ra cháy rừng

Theo TS. Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm KBT, mùa khô 2017 - 2018, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã vận động 779 hộ dân sống trong lâm phận ký cam kết trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, an ninh trật tự; ký biên bản thỏa thuận sử dụng phương tiện cá nhân phục vụ chữa cháy rừng nếu xảy ra cháy với 72 hộ và lựa chọn người dân địa phương thi công, trực gác PCCCR trong mùa khô. Nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp PCCCR, trong mùa khô 2017 - 2018 trên địa bàn KBT không xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây