Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30 về phòng, chống dịch Covid-19

Thứ năm - 29/09/2022 15:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Vừa qua​​, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 28-7-2021. Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị

Nghị quyết ra đời kịp thời

Tại hội nghị, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đánh giá Nghị quyết số 30 đã tạo nền tảng pháp lý để huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch. Tại đợt dịch thứ 4, trong thời gian ngắn đã huy động, điều động gần 300 ngàn lượt cán bộ của ngành y tế, công an, quân đội của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… chống dịch.

Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, dịch bệnh ở tâm dịch TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã từng bước được khống chế.

Các địa phương nhận định Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30, đặc biệt thực hiện thành công chiến lược vaccine và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch tại những thời điểm quyết định.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần đưa Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19, dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong tiền lệ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại cuộc họp cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện mục 3 tại Nghị quyết số 30 như: một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực tiễn, chậm được ban hành, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Việc triển khai mua sắm còn rất hạn chế, đặc biệt tại các địa phương, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Ngoài ra, hệ thống y tế bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát; ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng còn bộc lộ hạn chế, hiệu quả chưa cao; việc tích hợp thành một ứng dụng duy nhất trong quản lý, truy vết, tổ chức khám, tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý đi lại còn chậm, chưa tạo thuận lợi cho người dân. Việc chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là nhân viên y tế tại một số địa phương thực hiện còn chậm, thủ tục còn rườm rà…


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Không được để tình trạng thiếu thuốc kéo dài

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ trên toàn thế giới, diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Tất cả các nước đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay trên thế giới đã có hơn 620 triệu người nhiễm bệnh, hơn 6,5 triệu người tử vong do Covid-19, cả những nước có nền y tế hùng mạnh nhất cũng “thất thủ”.

Việt Nam có tổng số dân đứng thứ 15 trên thế giới, số ca mắc Covid-19 đứng thứ 13, số người tử vong do Covid-19 đứng thứ 26 trên thế giới.
Trước tính chất phức tạp của đại dịch, cả hệ thống chính trị trong nước đã vào cuộc quyết liệt, chống dịch như chống giặc, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Các Bộ, ngành, địa phương đã vận dụng rất nhiều giải pháp, đưa ra những chỉ lệnh hành chính chưa được đưa ra trong pháp luật, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống nhưng nhân dân rất đồng lòng, vì mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 ra đời và sau đó là các Nghị quyết khác, cho đến Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã tạo cơ sở pháp lý kịp thời để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong chỉ đạo, lãnh đạo công tác phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch ở mức cao mà vẫn bảo đảm ổn định tâm lý người dân. Đồng thời, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực vaccine, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Nghị quyết 30 được ban hành rất kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các cơ quan nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần "Tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.

Tuy nhiên, Nghị quyết có thời hạn đến ngày 31-12-2022. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30; tiếp thu và kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc; tiếp tục thực hiện cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19; đánh giá sâu hơn các chế độ, chính sách hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Ở thời điểm hiện tại, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục làm tốt công tác tiêm vaccine phòng Covid-19. Bệnh viện nào thuộc Bộ Y tế thiếu thuốc thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm xử lý. Bệnh viện tỉnh nào thiếu thuốc thì Chủ tịch tỉnh phải chỉ đạo giải quyết, không để tình trạng thiếu thuốc kéo dài.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây