Dân vận khéo góp phần chống dịch hiệu quả

Thứ ba - 05/10/2021 09:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Cùng với phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua Đồng Nai đã chú trọng công tác dân vận, đặc biệt là dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

1-5-10-2021-nam.jpg?t=1752814360
Bà Điểu Thị Út, đại diện cho người có uy tín trao nhà tình thương cho gia đình ông Điểu Mông người dân tộc Chơro ở ở ấp 5, xã Thanh Sơn, H.Định Quán

Từ công tác dân vận, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, nhiều mô hình hay, cách làm tốt đã được nhân rộng…

Gương sáng bà Điểu Thị Út

Định Quán là huyện thuần nông, điều kiện về đất đai, nguồn nước, giao thông không thực sự thuận lợi. Huyện có 29 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 21,64% là người dân tộc thiểu số, trình độ và thói quen canh tác của bà con còn lạc hậu khiến cho kinh tế của huyện chưa phát triển. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Định Quán đã có bước chuyển mình đáng kể, đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc không ngừng tăng lên.

Với công tác dân tộc, H.Định Quán đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận, trong đó phát huy vai trò của người có uy tín vùng DTTS. Có thể kể đến như trường hợp của bà Điểu Thị Út, người uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro ở ấp 5, xã Thanh Sơn. Vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, bà Út không chỉ được tín nhiệm bầu là người mà còn được được nhân dân bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân của xã Thanh Sơn. Dù ở vị trí nào, bà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bà con tin yêu. Tiếng nói, việc làm của bà có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, bà Út làm rất tốt công tác dân vận, góp phần vào giảm nghèo chung của địa phương. Trong đó, bà đã phối hợp với Công ty Liên hiệp La Ngà ký hợp đồng đất Lâm nghiệp 50 năm để tạo điều kiện cho bà con trong ấp có đất canh tác, phát triển kinh tế. Nhờ vậy đã có 20 người đồng bào DTTS có việc làm ổn định, thu nhập bình quân mỗi người từ 3,6 đến 4 triệu đồng/tháng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bà đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, bà còn vận động xây dựng 3,8 km đèn đường thắp sáng với kinh phí trên 150 triệu đồng.

Bà Út chia sẻ: “Bản thân tôi cũng đi lên từ khó khăn, được các cấp chính quyền hỗ trợ vay vốn làm ăn, thoát nghèo. Khi trở thành người uy tín, với trách nhiệm của mình, tôi hiểu gì, biết gì đều nhiệt tình hướng dẫn cho bà con, từ phát triển kinh tế đến giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ tệ nạn... Đồng bào dân tộc ở Thanh Sơn rất tin tưởng người uy tín, một lòng tin tưởng Đảng, Nhà nước, phấn đấu làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.

2-5-10-2021-nam.jpg?t=1752814360
Đồng bào các dân tộc trên địa bàn TP.Long Khánh nhận hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19

Nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Công tác dân vận vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được thể hiện rõ nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại các huyện, thành phố, công tác dân vận được đẩy mạnh với những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ xây dựng phát triển kinh tế gia đình, đồng bào các dân tộc còn tích cực góp sức xây dựng đường điện, đường giao thông nông thôn. Hàng chục tuyến đường liên ấp vùng đồng bào đã được bê tông hóa sạch đẹp, khang trang; hệ thống chiếu sáng tại các ấp được lắp đặt, kéo đến từng thửa vườn rẫy.

Từ dân vận khéo, đã xuất hiện hàng trăm mô hình hay trong vùng đồng bào dân tộc như: Xây dựng tuyến đường kiểu mẫu Sáng - xanh - sạch - đẹp; Ngày chủ nhật xanh; mô hình cộng đồng các DTTS tiếp sức trẻ em đến trường; Tổ phụ nữ đồng bào DTTS không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông… Cũng nhờ công tác dân vận ở cơ sở, bà con vùng đồng bào dân tộc dần bỏ được các hủ tục, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình; mọi người phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương.

Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng khiến cho người dân vùng DTTS, nhất là một bộ phận người trẻ vùng đồng bào đang làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng không nhỏ. Ban Dân tộc tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong đồng bào DTTS, giúp bà con chủ động ứng phó, phòng, chống dịch. Đồng thời tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo đời sống cho bà con đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình dịch bệnh.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết: “Không chỉ tuyên truyền cổ động trực quan và thông tin qua báo đài, loa phát thanh, các địa phương trong tỉnh đã lập các nhóm zalo người có uy tín để kịp thời nắm bắt thông tin, tận dụng khai thác lợi thế mạng xã hội để tuyên truyền đến bà con. Đối với một số địa phương có đông công nhân lao động là người dân tộc, chính quyền địa phương và người uy tín đã gặp mặt, giải thích cho bà con biết rõ về diễn biến phức tạp của dịch; đồng thời vận động chủ phòng trọ giảm giá tiền thuê phòng, vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho người lao động”.

Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây