Cùng hành động vì quyền của phụ nữ và trẻ em gái

Thứ hai - 12/07/2021 10:15
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, quyền tự chủ thân thể có nghĩa là chúng ta có khả năng và quyền để tự đưa ra lựa chọn mà không phải sợ hãi bị bạo lực hay để một ai đó khác quyết định thay. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, nhiều phụ nữ và trẻ em gái đang không được kiểm soát chính cơ thể và cuộc đời của mình, mặc dù họ có quyền tự quyết điều này.

Quyền được thực hiện thiên chức thiêng liêng

BS CKII.Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, là bác sĩ sản khoa nhiều năm, tiếp xúc với nhiều phụ nữ mang thai đến khám, chị thấu hiểu thực tế không phải mọi phụ nữ mang thai đều có tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc khi biết bản thân đang mang thai và chuẩn bị được làm mẹ.
Đôi khi khoảnh khắc thiêng liêng nhất lại cũng chính là thời điểm người phụ nữ cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng nhất. Bởi người cha của đứa bé chối bỏ trách nhiệm và nhiều lý do khác. Nhiều phụ nữ rơi vào tuyệt vọng, bế tắc, chán chường, thấm đẫm nước mắt vì không được thực hiện thiên chức làm mẹ.
BS Phương Lan kể, chị vẫn còn nhớ mãi câu chuyện của một phụ nữ từng một mình đến khám thai tại phòng khám sản khoa với cảm giác không vui, không buồn. Qua tìm hiểu, BS Lan được biết, chồng/bạn tình của người phụ nữ ấy không đồng ý có em bé trong thời điểm đó vì còn bận lo cho sự nghiệp. Vì thế, anh ta và nhiều người khác khuyên người phụ nữ nên bỏ đứa bé trong bụng và nghĩ cho tương lai. Nhưng với người phụ nữ đó, đứa bé trong bụng chính là tương lai của cô ấy. Người phụ nữ ấy sau đó chấp nhận đối mặt với khó khăn, không phá thai, quyết tâm sinh đứa bé ra đời.
“Quyết định của người phụ nữ ấy giúp những bác sĩ sản khoa như chúng tôi không phải làm công việc mà mình không hề muốn - đó là phá thai cho khách hàng. Qua câu chuyện này, tôi cũng mong muốn các bạn trẻ cần thận trọng hơn khi quan hệ tình dục. Nếu cảm thấy mối quan hệ còn bấp bênh, chưa rõ ràng, chưa sẵn sàng làm cha, làm mẹ thì hãy sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn khi quan hệ tình dục. Bởi một khi để có thai ngoài ý muốn sẽ gây ra hậu quả lớn về thể chất cũng như tâm lý. Và cuối cùng, người chịu thiệt nhất chính là người phụ nữ” - BS Phương Lan tâm sự.
Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái
Nhân Ngày Dân số thế giới 11-7, Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã phát đi tuyên bố có nội dung đề cập đến tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 đối với vấn đề dân số.
Theo đó, với một số người, đại dịch đã dẫn đến quyết định trì hoãn việc có con. Với một số người khác thì do gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên có thai ngoài ý muốn.
Mặc dù chưa có được một bức tranh tổng thể về tác động của Covid-19 đối với mức sinh, nhưng xu hướng này đã gây mối quan tâm đáng ngại về khả năng bùng nổ dân số hay sụt giảm tỷ suất sinh.
Điều đáng lo ngại là khi phụ nữ không thể thực hiện được quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Nguyên nhân có thể là do gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc do phân biệt đối xử về giới đã ngăn cản họ trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc quyết định có quan hệ với bạn tình hay không.
Một xã hội lành mạnh và hiệu quả là một xã hội mà ở đó phụ nữ có thể có đầy đủ thông tin để đưa ra lựa chọn của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho các lựa chọn của mình. Một người phụ nữ khi làm chủ được cơ thể của mình thì đồng thời cũng sẽ đạt được tiến bộ trong học tập, sức khỏe, thu nhập và an toàn. Người phụ nữ cũng như gia đình của mình sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
Tuyên bố của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh, Covid-19 đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng và sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia và giữa các quốc gia. Khủng hoảng này đã làm cho nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải, phải thu hẹp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, vốn vẫn thường bị coi là không thiết yếu. Mặc dù các dịch vụ này là quyền con người, nhưng chúng đã bị bỏ qua vì những mối quan tâm cấp bách khác. Dưới áp lực kinh tế và cắt giảm ngân sách, có nguy cơ là nhiều quốc gia có thể sẽ không khôi phục lại những dịch vụ này.
Nhân ngày Dân số thế giới, hãy cùng hành động để xóa bỏ những khoảng cách này vì các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là hết sức thiết yếu. Thậm chí, nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe có bị khó khăn tới đâu thì những dịch vụ này cũng không thể bị coi nhẹ. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Những hậu quả đó có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của họ. Hãy cùng hành động để bảo vệ quyền được quyết định sinh con và thời điểm sinh. Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái.
Bảo Ngọc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây