Cơ sở giáo dục mầm non tư thục cần hỗ trợ vượt qua đại dịch Covid-19

Thứ năm - 28/10/2021 14:33
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trong thời gian qua khiến rất nhiều cơ sở mầm non tư thục gặp khó khăn, người lao động bị thất nghiệp.
593ecc366959a107f848.jpgMơ ước sớm trở lại trường làm việc để có thu nhập hiện còn khá xa vời với nhiều giáo viên
Trường tư vượt qua khó khăn
Toàn tỉnh hiện có 346 trường mầm non, trong đó có trên 120 trường tư thục (chiếm tỷ lệ 35%). Ngoài ra, hiện còn tồn tại 1.300 nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục thường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, chủ yếu là con công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
Năm 2019, Trường Mầm non tư thục Bé Ngoan (đóng trên địa bàn P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được xây mới hoàn toàn với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay trường đã phải trải qua nhiều đợt hoạt động rồi lại dừng, dừng rồi lại hoạt động vì dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4-2021 đến nay) trường phải đóng cửa 5 tháng liên tục. Trong khoảng thời gian này trường không có bất cứ nguồn thu nào, đội ngũ giáo viên của trường đành chấp nhận ở nhà nghỉ việc không lương, nhà trường chỉ có thể hỗ trợ vài trăm ngàn đồng mỗi đợt nghỉ dịch, kèm theo ít lương thực, thực phẩm.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài cũng đẩy chủ đầu tư Trường Mầm non tư thục Đamri (thuộc P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) rơi vào tình cảnh khó khăn. Dù không thể hoạt động suốt nhiều tháng, không có nguồn thu nào nhưng hàng tháng trường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền bảo vệ và các hoạt động tối thiểu khác. Đời sống của hàng chục giáo viên trong thời gian phải nghỉ việc ở nhà, không có thu nhập cũng gặp nhiều khó khăn.
Tình cảnh khó khăn này cũng xảy ra với các nhóm trẻ. Chị Phạm Thị Ngọc Mai, chủ Nhóm trẻ Hoa Mặt Trời tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, mỗi tháng chị phải trả trên 30 triệu đồng tiền thuê mặt bằng để làm cơ sở trông giữ trẻ cho công nhân, kèm theo tiền lãi vay đầu tư cơ sở vật chất. Thế nhưng đã gần 5 tháng nay cơ sở trông giữ trẻ của gia đình chị lâm vào cảnh “cửa đóng then cài”. Chia sẻ khó khăn với chị Mai, chủ cho thuê mặt bằng đã miễn 50% tiền thuê.
Mong chờ được hỗ trợ
Sau nhiều tháng gồng mình vượt qua đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã cảm thấy đuối sức, kiệt quệ về tài chính. Điều mà các cơ sở này mong muốn là nhà nước có chính sách hỗ trợ như hỗ trợ duy trì việc làm cho giáo viên, giảm lãi các khoản vay đầu tư trường và các khoản thuế phải nộp. Chị Phạm Thị Ngọc Mai chia sẻ: “Nếu dịch bệnh còn kéo dài, không có nguồn thu duy trì hoạt động thì tôi buộc phải trả lại mặt bằng, chuyển sang lĩnh vực khác để “cắt lỗ”, vì hiện tại đã có 8/10 bảo mẫu giữ trẻ đã về quê, hoặc đi tìm công việc khác để có thu nhập nuôi sống gia đình”.
Bà Trương Thị Thủy Ngân, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT cho biết, cho đến nay mọi hoạt động của bậc giáo dục mầm non đã dừng được gần 5 tháng, khó khăn bậc học này đang gặp phải là rất lớn, đặc biệt là với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non thời gian qua không thể có nguồn trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Nếu các trường mầm non công lập hoạt động trở lại không gặp khó khăn gì thì các cơ giáo dục mầm non tư thục chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có cơ sở sẽ phải gầy dựng lại từ đầu từ công tác tuyển sinh trẻ đến tuyển bổ sung mới giáo viên thay thế cho giáo viên đã nghỉ việc.
Bà Ngân cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục rà soát lại tình hình của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đó sẽ có đánh giá lại toàn bộ, đồng thời đưa ra các kiến nghị tháo gỡ cho các cơ sở này trong thời gian tới”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết: “Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có vai trò quan trọng, chia sẻ áp lực với hệ thống trường mầm non công lập, đặc biệt là tại TP.Biên Hòa và các địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung đông công nhân. Trước mắt các cơ sở này cần chú ý làm thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cho giáo viên tạm thời phải dừng việc. Sắp tới, ngành sẽ kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các trường mầm non tư thục để sau dịch các cơ sở giáo dục này có thể hoạt động trở lại bình thường, không làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận trẻ”.
Thọ Vực

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây