Sinh ra, lớn lên ở tỉnh Nam Định, tốt nghiệp ngành Tâm lý học Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nhưng Đồng Nai lại là nơi đã chắp cánh cho những thành công nên cô Cao Thị Huyền (giảng viên Trường đại học Đồng Nai) quyết định trở lại Đồng Nai để cống hiến.
Cô Cao Thị Huyền (bìa phải) trao đổi với các thành viên về hoạt động của CLB Cỏ 4 lá Biên Hòa
Sau khi tốt nghiệp đại học, theo chân một người cô, cô Huyền tìm đến với mảnh đất Đồng Nai và đầu quân làm giảng viên tại bộ môn Quản lý giáo dục (nay là Khoa Khoa học cơ bản) Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai). Được một năm, cô tiếp tục học lên cao học và nghiên cứu sinh (được hỗ trợ kinh phí đi học theo chương trình đào tạo sau đại học của tỉnh) tại Hà Nội. Trong 8 năm đi học ở Hà Nội, cô Huyền thỉnh thoảng vẫn tham gia giảng dạy. Năm nào cần phải tập trung cho việc học, cô được nhà trường tạo điều kiện nghỉ dạy. Trong thời gian đi học, cô vẫn được nhà trường hỗ trợ lương cơ bản để trang trải việc học.
Sau 8 năm sinh sống, học tập và làm thêm tại Hà Nội, cô Huyền đã nghĩ đến việc sẽ ở lại Hà Nội làm việc, không trở về Đồng Nai nữa nhưng vì "món nợ" ân tình suốt quãng thời gian làm việc và đi học nên cô đã quyết định trở lại Đồng Nai. Trở lại Đồng Nai, cô luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ giảng dạy giúp cho sinh viên hiểu được tầm quan trọng của bộ môn Tâm lý học, cách nắm bắt đặc điểm tâm lý theo từng độ tuổi.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy ở trường, cô Huyền còn mở một trung tâm can thiệp, hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển; tham vấn, trị liệu cho các trường hợp có vấn đề về tâm lý vào buổi tối, ngày thứ bảy, chủ nhật, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
Theo chia sẻ của cô Huyền, trong thời gian đi học ở Hà Nội, cô đi làm thêm nên có cơ hội tiếp xúc, hỗ trợ, can thiệp nhiều trường hợp trẻ em bị rối loạn phát triển. Trẻ rối loạn phát triển là những trẻ gặp vấn đề như: khuyết tật trí tuệ (chậm phát triển), rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm tập trung, chậm phát triển về nhận thức, trí tuệ, ngôn ngữ, vận động… Việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ rối loạn phát triển khá vất vả. Từ đó, cô có mong muốn mở một trung tâm can thiệp, hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển nhằm chia sẻ những khó khăn, vất vả của các bậc phụ huynh.
Cũng trong năm 2019, cô Huyền đã thành lập CLB Cỏ 4 Lá Biên Hòa. Ngoài mục đích tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm, đóng góp cho xã hội, CLB còn tuyên truyền về kiến thức, trang bị kỹ năng nhận diện kẻ xấu, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em… Đồng thời, hoạt động của CLB cũng hướng đến việc trang bị cho cha mẹ của trẻ nhận diện được các nguy cơ xâm hại để có biện pháp bảo vệ con của mình.
Gần 3 năm thành lập, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự nỗ lực của các thành viên, CLB cũng đã tổ chức được một số hoạt động: tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ở một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Hội Sinh viên tỉnh tổ chức chương trình Bảo vệ mầm xanh tại 10 trường trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh tập huấn trang bị cho các em học sinh kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, thoát hiểm và một số kỹ năng khác nhằm hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ em… chương trình còn nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Với các hoạt động thiết thực, CLB đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Điều đặc biệt là không chỉ có sinh viên Trường đại học Đồng Nai mà sinh viên của một số trường trên địa bàn tỉnh cũng tham gia.
An Hạ