Ngày 24-5, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 1 năm thực hiện cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.

Lực lượng Công an, các sở ngành, các địa phương dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng
Lực lượng Công an, các sở ngành, các địa phương dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng
Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an.
Theo thống kê, trong giai đoạn thực hiện cao điểm (từ 15-4-2021 đến 15-4-2022), toàn quốc xảy ra 1.908 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 826 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 850 vụ cháy nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, làm chết 70 người, bị thương 52 người, thiệt hại về tài sản 73,83 tỷ đồng.
So với 1 năm trước khi triển khai cao điểm (15-4-2020 đến 15-4-2021), số vụ cháy xảy ra tại loại hình này giảm 277 vụ, số người chết tăng 6 người, số người bị thương giảm 28 người, thiệt hại về tài sản tăng 18,58 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn thực hiện cao điểm, Công an 63 địa phương đã kiểm tra hơn 23,3 triệu hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Qua đó, phát hiện hơn 12,3 triệu thiếu sót, hơn 34,7 ngàn vi phạm, xử lý hơn 2,7 ngàn trường hợp với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng....
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và kéo giảm các vụ cháy lớn, Bộ Công an đã đề ra các phương hướng trọng tâm. Như xây dựng và nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, các mô hình hoạt động hiệu quả tại khu dân cư. Thực hiện kiểm tra an toàn về PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở được phân cấp quản lý. Xây dựng, củng cố và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ trong khu dân cư.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã yêu cầu Công an các địa phương tiếp tục tham mưu Giám đốc Công an cấp tỉnh, UBND cấp huyện triển khai thực hiện quy định của UBND cấp tỉnh về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nhân rộng các mô hình, phong trào an toàn PCCC tại khu dân cư. Định kỳ, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho Công an cấp huyện, cấp xã; bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng, chiến thuật chữa cháy đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.