Cần hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí chế tạo

Thứ tư - 21/10/2020 15:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tại Đồng Nai, công nghiệp cơ khí, chế tạo có tiềm năng lớn để phát triển, tuy nhiên hầu hết các DN nội tỉnh quy mô, nguồn lực còn hạn chế, chịu sự cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài nên chưa phát huy được hết tiềm năng.
Để giải quyết các khó khăn, cộng đồng DN cần chính sách mạnh hơn từ địa phương để giúp ngành tiếp tục phát triển, vận dụng được lợi thể tiến tới cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm từ DN nước ngoài.
19197ae594d96a8733c8.jpg
Thiếu vốn đầu tư công nghệ và mặt bằng sản xuất là vấn đề mà hầu hết các DN ngành cơ khí đang gặp phải
Doanh nghiệp cần tiếp sức
Lựa chọn lĩnh vực công nghiệp cơ khí hỗ trợ, sản xuất ra các loại phễu rung, máy cấp phôi tự động để cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) làm hàng sản xuất, anh Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) bước đầu có những thành công nhất định. Các sản phẩm của công ty này nghiên cứu chế tạo đều mang tính ứng dụng cao và được nhiều công ty trong khu công nghiệp tìm về để hợp tác, đặt hàng.
Mặc dù bước đầu khá thành công song thực tế, DN của anh Bình cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó mặt bằng sản xuất là yếu tố số 1. Việc tìm kiếm được mặt bằng phù hợp là điều rất khổ sở đối với DN này bởi lẽ đã phải vài lần thay đổi xưởng sản xuất do không chủ động được địa điểm và không đủ nguồn lực đầu tư lớn hơn so với năng lực hiện có.
Cũng chính thiếu vốn dẫn tới việc đầu tư cho công nghệ bị hạn chế nên kéo theo việc DN lỡ các cơ hội hợp tác. Bởi nếu có vốn đầu tư công nghệ mới, chất lượng sản phẩm chuẩn hơn, bên cạnh đó vấn đề chăm lo cho người lao động cũng ổn định hơn. Những yếu tố này khi các đối tác nước ngoài tham quan dây chuyền sản xuất sẽ đánh giá cao về năng lực doanh nghiệp trong việc lựa chọn cơ hội hợp tác.
Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các sản phẩm cơ khí, chế tạo của DN Trung Quốc cũng ngày càng gay gắt. Trong khi các DN Việt Nam hầu hết đều ở quy mô nhỏ và vừa thì các đối thủ đến từ Trung Quốc có rất nhiều lợi thế. Do có nguồn tài nguyên tốt, nguyên liệu ổn định, lại có mối liên kết rộng nên sản phẩm đúc của DN Trung Quốc giá thành khá rẻ. Chưa kể, chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt cao hơn, do đó giá thành sản phẩm tăng đáng kể.
Tìm phương án hỗ trợ
Để cấp thiết phát triển, nâng tầm DN ngành cơ khí nội địa trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cũng đã có những chính sách hỗ trợ được lồng ghép xây dựng. Riêng trong năm 2020, Sở Công thương đang tiến hành khảo sát các DN ngành cơ khí, chế tạo. Qua khảo sát tình hình sản xuất, quy mô, định hướng phát triển, các tác động do khó khăn của dịch Covid-19… sẽ là cơ sở để xây dựng các giải pháp hỗ trợ phát triển trong năm 2020 và thời gian tới.
Các DN lĩnh vực chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí sẽ được khảo sát để thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng công nghệ của các DN. Trên cơ sở đó, triển khai chính sách ưu đãi, chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí cho các DN. Đồng thời Sở cũng xây dựng báo cáo tổng hợp và các báo cáo chuyên đề, cập nhật thông tin của các DN cơ khí trên trang thông tin điện tử của Sở để cộng đồng có thêm kênh DN biết, hợp tác với nhau một cách rộng rãi hơn.
Song song với việc khảo sát các DN ngành cơ khí để có giải pháp hỗ trợ riêng thì đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ của tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến hỗ trợ cho DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đang được tiến hành. Trong khi đó, cơ khí, chế tạo là một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ cốt lõi mà tỉnh đang khuyến khích phát triển.
Nam Vũ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây